Ông Oanh (60 tuổi, ngụ xã Long Bình, TX.Long Mỹ) vừa được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai, chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn 1995 - 2015.
Ông kể, năm 2006, bỏ ngoài tai lời dị nghị của nhiều người, ông quyết định lai tạo giống lúa cho riêng mình và tạo thương hiệu cho địa phương. Được sự hướng dẫn của các thầy cô ở Trường ĐH Cần Thơ, ông dành 0,5 công trong số 15 công đất ruộng của gia đình để hằng năm trồng giống lúa lai. Ban đầu, do không có nhà lưới và phòng thí nghiệm nên ông cất tạm khung lưới chừng 4 m2 trước sân nhà, khi nào lai lúa thì cho lúa vào chậu và để trong khung lưới tránh gió, chim trời. Sau nhiều lần thất bại, rút tỉa kinh nghiệm, ông đã tạo ra được các giống lúa có những ưu điểm vượt trội.
tin liên quan
Người giữ hương lúa baton của đồng bào Bh’noongTheo ông Oanh, trước đây để trồng được giống nếp than và lúa mùa đặc sản Tài Nguyên phải mất đến 6 tháng và do thân lúa khá cao, dễ bị đổ ngã nên ảnh hưởng đến năng suất. Thế nhưng, qua bàn tay lai tạo của ông, những giống lúa này không chỉ có đặc tính ngắn ngày, thích nghi với thổ nhưỡng mà còn giữ nguyên được màu sắc, độ thơm, dẻo đặc trưng. Bên cạnh đó, ông còn lai tạo thành công các giống kháng rầy nâu, thân cứng ít đổ ngã, năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu của nông dân và thị trường với những cái tên Long Mỹ 1 đến Long Mỹ 6; trong đó có 4 giống đã được chuyển giao cho Trường ĐH Cần Thơ khảo nghiệm tính thích nghi ở ĐBSCL. Vụ đông xuân 2017 - 2018, ông tiếp tục lai tạo thành công giống nếp than có thân ngắn, thời gian sinh trưởng chỉ từ 90 - 95 ngày so với thời gian gieo trồng 6 tháng như trước đây. Đặc biệt, giống này thích nghi tốt với những vùng đất gieo trồng 3 vụ chứ không phụ thuộc vào mùa mưa như giống truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Dễ (50 tuổi, ngụ xã Long Bình, TX.Long Mỹ) cho biết: “Tôi có làm vài giống rồi và nhận thấy giống của ông Oanh có nhiều ưu điểm vượt trội. Vừa kháng rầy, năng suất cao, vừa dễ canh tác”.
Dù có nhiều đóng góp trong việc lai tạo các giống lúa chất lượng, được ngành chuyên môn và nông dân đánh giá cao, nhưng khi triển khai nhân rộng và đưa vào sản xuất đại trà vẫn gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, hiện ông Oanh chỉ có thể chuyển giao cho Trường ĐH Cần Thơ hoặc Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang khảo nghiệm và đưa ra thị trường.
“Với tôi bây giờ, việc lai tạo giống không chỉ là niềm đam mê mà còn là cơ hội sáng tạo nhiều giống lúa mới để góp phần nâng cao phẩm chất hạt gạo Việt”, ông Oanh chia sẻ.
Bình luận (0)