Lão ông hết lòng giúp đỡ người nghèo

26/10/2022 06:58 GMT+7

Mắc bệnh ung thư đại tràng, nhưng hơn 10 năm qua, ông Cao Văn Năm (81 tuổi, ngụ xã Thạnh Xuân, H.Châu Thành A, Hậu Giang ) vẫn miệt mài đi xây cầu, sửa đường , cất nhà tình thương tặng người nghèo.

Đội tình nguyện của người cao tuổi

Hơn 10 năm ở trọ thuê, mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng (65 tuổi, ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, H.Châu Thành A, Hậu Giang) vui mừng không thể tả khi được tặng căn nhà tình thương từ một đội tình nguyện đặc biệt. Căn nhà có diện tích 32 m2 (ngang 4 m, dài 8 m), mặt tiền được xây bằng gạch, khung gỗ, mái tôn, sàn lát gạch hoa sáng sủa. Nhớ lại trước đây sống trong cảnh mưa tạt gió lùa, bà Hồng rưng rưng: “Chồng tôi hai mắt đã hư, đi lại khó khăn do tai biến. Tôi thuê trọ bán bún nuôi cháu ngoại, cha mẹ nó bỏ đi hết rồi. Thu nhập hằng ngày còn không đủ tiền ăn và thuốc thang, lấy đâu mà cất nhà. Nhờ chú Năm và tổ từ thiện cất cho tôi mới có nơi ăn chốn ở ổn định, tôi biết ơn vô cùng”.

Mắc bệnh ung thư đại tràng nhưng ông Năm vẫn hết lòng với công tác từ thiện

THANH DUY

Căn nhà của bà Hồng là mái ấm tình thương thứ 8 do ông Năm và đội tình nguyện xây tặng bà con nghèo trong năm 2022. Tất cả 6 thành viên đã bỏ ra 5 ngày công (từ 8 giờ sáng đến 14 giờ mỗi ngày - PV) để thực hiện công trình. Căn nhà có tổng giá trị gần 35 triệu đồng, nhà hảo tâm chia sẻ 70%, phần còn lại các thành viên tự tìm cách đối ứng. Bàn giao xong, đội sẽ tiếp tục xây thêm 1 căn nhà tình thương tặng anh nông dân bị câm điếc bẩm sinh, ruột để bên ngoài cơ thể nhưng hằng ngày phải đi hái rau, bắt cá mưu sinh tại ấp Long Hòa A1 (xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Ông Năm cho biết hầu hết thành viên trong đội đã làm việc thiện từ lâu. Bắc cầu, sửa đường là công việc thường xuyên trước đây, còn việc xây nhà tình thương thì đội mới thực hiện khoảng 3 năm nay. Tính riêng năm 2021, đội đã “làm đẹp” khoảng 300 m đường giao thông nông thôn, xây 18 căn nhà tình thương tặng bà con các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. “Đội có 6 thành viên cốt cán, là tôi và các anh em Cọp, Tao, Nghĩa, Đạt, Toàn. Chỉ có 1 người gần 50 tuổi, còn lại đều 60, 70 tuổi đổ lên nên mọi người hay gọi là đội tình nguyện người cao tuổi. Khi làm công trình, nhiều nhà hảo tâm ủng hộ lắm. Đội cũng thường huy động bà con tham gia, có lúc lên gần 20 người”, ông Năm nói.

“Đi làm từ thiện khiến tôi vui hơn”

Ông Nguyễn Bạch Đằng (61 tuổi, tên thường gọi Út Cọp), thành viên của đội, cho biết ông Năm lớn tuổi nhất nên được mọi người đề xuất làm đội trưởng. Nhiều năm qua, người đội trưởng 81 tuổi này đã làm nhiệm vụ rất tròn vai, chuyên nghiệp không thua gì thầu xây dựng. Việc gì ông cũng làm, từ trộn hồ, vác xi măng, khiêng gỗ, đẽo kèo-cột, dựng nhà… Nhìn ông làm việc hết mình vì cộng đồng, ai nấy hết lòng trân trọng và cảm phục, phần vì ông đã lớn tuổi, phần vì ông đang đối diện với căn bệnh ung thư đại tràng ác tính 10 năm nay.

Năm 2012, khi phát hiện bệnh, ông Năm phải phẫu thuật cắt một đoạn đại tràng. Tưởng chừng biến cố đó khiến ông chùn chân, nhưng khi sức khỏe bình phục, ông khiến nhiều người bất ngờ khi tiếp tục hành trình tử tế, giúp đỡ bà con nghèo. “Đi làm từ thiện khiến tôi vui hơn. Nhìn những gia đình khó khăn mừng rỡ khi được giúp đỡ, lòng tôi phấn khởi, hạnh phúc lây. Có lẽ, tinh thần lạc quan đó đã khiến tôi ngày càng khỏe hơn. Tôi hay nói vui với bà con là ung thư cũng có thuốc chữa rồi”, ông Năm nở nụ cười, nói.

Để có đủ điều kiện cất nhà tình thương, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, nhiều lúc đội tình nguyện phải băng đường rừng gần 1 km để đốn cây và khiêng vác ngược ra ngoài. Việc xử lý kèo, cột gỗ được các thành viên chuẩn bị tại nhà. Vì vậy, đối với những hộ dân ở Sóc Trăng, Kiên Giang, đội phải thuê ghe chở đi, vận chuyển lên xuống nhiều lần nên khá vất vả. Mỗi lần cất nhà là mỗi lần khó nên đội đặc biệt chú trọng việc trao đúng người, đúng hoàn cảnh. “Mỗi trường hợp tôi đều tìm hiểu xác minh, trao đổi với chính quyền địa phương cho thật rõ ràng. Đối tượng chúng tôi hướng đến là những người cao tuổi không có đất đai sản xuất, người trẻ cũng có nhưng đều là trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, không còn nơi nương tựa”, ông Năm tâm sự.

Ông Lê Công Như, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thạnh Xuân, cho biết ngoài công việc chính là cất nhà tình thương, xây cầu và sửa đường, ông Năm và đội tình nguyện còn giúp bà con lo tang chay, chặt củi tặng bếp ăn từ thiện, đóng giường gỗ tặng các gia đình thiếu thốn, quyên góp gạo giúp cộng đồng. “Hồi đó tới giờ, công việc từ thiện của ông Năm và đội tình nguyện ít chịu cho quay phim, chụp hình lắm. Các thành viên góp sức thầm lặng nhưng rất hiệu quả. Chính quyền và bà con đánh giá rất cao, thường xuyên ủng hộ để việc tốt của họ ngày càng lan tỏa”, ông Như chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.