Lào sắp xây đập thứ 4 trên sông Mê Kông

Chí Nhân
Chí Nhân
18/06/2018 15:56 GMT+7

Chính phủ Lào đã khởi động kế hoạch xây dựng đập thủy điện Pak Lay, ngay phía dưới hạ lưu công trình đập Xayaburi sắp hoàn thành.

Theo Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), Ủy ban sông Mê Kông Lào ngày 13.6 đệ trình bản mô tả chi tiết dự án thủy điện Pak Lay để MRC xem xét và thông báo cho các nước thành viên MRC theo yêu cầu của Hiệp định Mê Kông năm 1995. Thông báo này là thủ tục đầu tiên trong quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) về hợp tác, sử dụng nước trên dòng chính sông Mê Kông. Đây là dự án thứ tư của Lào sau thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.
Đập Pak Lay có công suất 770 MW, nằm ở tỉnh Xayaboury phía bắc Lào, ngay phía dưới hạ lưu đập Xayaburi, gần hoàn thành và cách biên giới Thái Lan khoảng 100 km. Dự kiến, thủy điện này bắt đầu xây dựng vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2029.
Phù sa, cát bị ngăn chặn nhiều hơn
Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện bình luận: Vậy là thêm một domino lại đổ trên sông Mê Kông. Đối với ĐBSCL, thêm một con đập chặn dòng đồng nghĩa với việc phù sa và cát bị chặn lại nhiều hơn. Mất cát, phù sa sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng. Vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang ngày càng bức xúc. Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp bàn tìm giải pháp.
Theo ông Thiện, quyết định này là điều rất khó hiểu của cả Chính phủ Lào lẫn các nhà đầu tư. Tháng 2.2018, Thái Lan đã tạm dừng hợp đồng mua điện từ đập Pak Beng, không có đầu ra “số phận” của con đập này chưa biết sẽ ra sao. Nay Lào lại muốn xây đập Pak Lay, thị trường tiêu thụ chính được nhắm tới vẫn là Thái Lan. Nhưng với sự phản ứng quyết liệt của người dân Thái Lan, dự báo đầu ra của dự án mới này có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự đập Pak Beng.
Sông Mê Kông chảy qua địa phận thành phố Cần Thơ Ủy hội sông Mê Kông quốc tế
Dự kiến con đập này sẽ vận hành vào năm 2029, từ nay tới đó là hơn 11 năm nữa trong khi đó thế giới dự báo rằng đến năm 2020 giá điện mặt trời sẽ đủ sức cạnh tranh với thủy điện. Với xu hướng điện mặt trời và năng lượng tái tại nói chung ngày càng rẻ đi thì đến khi đập Pak Lay đi vào vận hành, giá điện của nó sẽ đắt hơn rất nhiều so với điện mặt trời. Đó sẽ là một thất bại lớn về kinh tế cho nhà đầu tư. Nếu tính luôn các tác động về môi trường và xã hội cho cả lưu vực thì đây sẽ là một quyết định đáng tiếc của Chính phủ Lào.
Cũng theo ông Thiện, từ đầu năm đến nay đã có tới 6.000 MW hợp đồng tiêu thụ điện mặt trời được ký kết ở các quốc gia Mê Kông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.