Cô giáo Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú) liên tục mắng, nhéo tai và đánh vào lưng học sinh chỉ được phát hiện khi có camera lén đặt trong lớp học. Từ sự việc này, đã có ý kiến cho rằng cần thiết phải lắp đặt camera giám sát trong lớp học, không riêng bậc mầm non như TP.HCM đang triển khai.
Giáo viên sẽ chịu áp lực không đáng
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết: “Việc lắp camera trong lớp học đã có ở nơi này nơi khác từ mười mấy năm trước, từ mầm non đến THPT... Từ hồi ấy tôi cũng nghĩ đến việc này và tham khảo ý kiến các thầy cô trong trường. Có cái lợi và không lợi! Về an ninh thì lợi nhưng về tâm lý cả thầy và trò thì không có lợi vì lớp học mất tự nhiên do bị “soi” thường xuyên. Vì thế, đến bây giờ tôi cũng chỉ cho lắp camera ở cổng, sân trường, hành lang, phòng ăn, nhà để xe... mà không lắp trong lớp học, nhà vệ sinh. Việc lắp trong lớp học nên ở các lớp mầm non, các cháu quá bé dễ bị “bắt nạt” (bạo hành); giám sát các cô, buộc các cô phải chu đáo và kiềm chế nóng giận, còn các cấp học cao hơn là không cần thiết”.
Đồng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho hay với tư cách là nhà quản lý giáo dục và nghiên cứu về tâm lý giáo dục, ông đều không ủng hộ quan điểm lắp camera để giám sát giáo viên (GV).
“Trường tôi từ nhiều năm nay đã có những ý kiến đề nghị lắp camera để hiệu trưởng theo dõi giờ lên lớp của GV nhưng tôi luôn luôn từ chối, tôi chỉ lắp camera ở khu vực công cộng trong trường học như cổng trường, hành lang lớp học… để đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Tôi từ chối chủ yếu là tôi không muốn tạo áp lực không đáng có cho GV. Nghề GV là rất nặng nề, đặc biệt với GV mầm non, tiểu học, các thầy cô phải quản lý một lớp học đôi khi như “ong vỡ tổ”, rất vất vả. Có thể việc lắp camera giúp GV e dè, không dùng bạo lực với HS nhưng cũng chính nó sẽ làm thui chột sự sáng tạo, say mê với nghề nghiệp của GV. Không phải chỉ những người có lỗi đâu mà tất cả những người khác đều cảm thấy mình bị “theo dõi”, là người có lỗi”, ông Hòa nói.
Yếu tố quyết định vẫn là con người
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Trong các dịp đi tham quan mô hình giáo dục tiểu học nhiều nước tiên tiến, chỉ thấy sự xuất hiện của camera ở sân trường, cổng trường để bảo vệ học trò, tôi đã thắc mắc sao không lắp trong lớp học để quản lý thì được nhà trường, tất cả nơi tôi đã đến đều chung một quan điểm: Giáo dục là phải có niềm tin. GV phải được thực hiện việc giảng dạy của mình một cách thoải mái, tự do nhất. Còn các hành vi không đúng chuẩn mực sẽ được phản ánh qua các kênh phụ huynh, học sinh và hệ thống quản lý của nhà trường là ban giám hiệu, tổ trưởng các khối lớp…”.
TP.HCM chi khoảng 3,3 tỉ đồng lắp camera ở các nhóm trẻNăm 2018, sau khi xảy ra một số vụ bạo hành trẻ mầm non tại TP.HCM như bạo hành trẻ mầm non tại Trường mầm non Mầm Xanh (Q.12), vào đầu năm 2019, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP. Trong đó, TP chi ngân sách khoảng 3,3 tỉ đồng dành cho việc lắp đặt camera cho 105 nhóm trẻ, trung bình mỗi nhóm trẻ có 3 camera… Việc lắp camera này đang được tiến hành ở các nhóm trẻ.
|
Ông Điệp cũng nói, không thể so sánh mầm non với tiểu học. Bậc mầm non, chủ yếu là chăm sóc và nuôi dưỡng nên việc hỗ trợ bằng các thiết bị nói trên phù hợp hơn. “Tuy nhiên dù sao đi nữa, yếu tố quyết định vẫn là con người, lắp đặt thiết bị giám sát không thể giải quyết được cái gốc vấn đề”, ông Điệp nhấn mạnh.
Cũng là phụ huynh, nhưng chị Trần Khanh Hồng Anh, có con học tại Trường tiểu học Trần Danh Lâm (Q.8) cũng không đồng tình với việc lắp camera trong lớp học. “Không nên lắp camera trong lớp tiểu học. Tôi suy nghĩ rằng những cái camera này là biểu hiện của sự mất niềm tin. Trường học luôn là một nơi những tưởng an toàn nhất và tin cậy nhất thì lại trở thành nơi đáng ngờ nhất và người ta phải nghi kỵ nhau...”.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạmđạo đức nhà giáoÔng Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo - Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Bộ đã có nhiều văn bản và chỉ thị trong năm học 2019 - 2020, nêu rõ kiên quyết xử lý nghiêm GV, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo. Các cấp chính quyền và ngành GD-ĐT TP.HCM đã vào cuộc xác minh và xử lý theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ”.
|
Bình luận (0)