Lập danh sách người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/09/2023 17:15 GMT+7

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 6.9, báo cáo tại Hội nghị lần thứ nhất triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về triển khai Nghị quyết số 96 năm 2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 23.10) và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.

Lập danh sách người Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10 - Ảnh 1.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại hội nghị

NGỌC THẮNG

Theo bà Thanh, Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Dự kiến, trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành.

"Hiện tại, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà Thanh nói thêm.

Trong tham luận tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96 có nhiều điểm mới so với quy định cũ (Nghị quyết 85 năm 2014).

Cụ thể, Nghị quyết 96 bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng thư ký Quốc hội.

Không lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã; không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Theo Nghị quyết 85, không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, HĐND.

Như vậy, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện khóa này sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ ngày 1.1 trở lại đây, chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm trước ngày 1.1.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 96, cũng sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ tịch UBND quận tại TP.Đà Nẵng và TP.HCM vì đây là chức danh do chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bà Thanh cho hay, Nghị quyết 96 của Quốc hội đã thể chế hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị. 

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Cũng theo bà Thanh, một điểm mới nữa là kết quả các mức tín nhiệm được tính trên tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu thu về khi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Quốc hội, HĐND đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, 2014 và lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất vào năm 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.