Tôi đã lớn tuổi, muốn lập di chúc mà không cho con cháu biết. Vậy tôi lập di chúc phải ra UBND xã hay đến phòng công chứng? Nếu đã lập di chúc xong rồi, sau đó lại muốn thay đổi hay hủy bỏ có được không?
Bạn đọc Thiên Long thắc mắc với Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn
Đại diện Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương (ở Long An) tư vấn, người lập di chúc có thể đến tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng) hoặc chứng thực ở UBND cấp xã.
Để yêu cầu lập di chúc tại cơ quan có thẩm quyền, bạn cần cung cấp các giấy tờ như: giấy tờ tùy thân, dự thảo di chúc (nếu có), giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế theo quy định pháp luật, giấy tờ chứng minh nơi cư trú; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy chứng nhận kết hôn, các giấy tờ để xác định tài sản chung riêng; bản sao giấy tờ tùy thân của người nhận di sản (nếu có).
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào (điều 640 bộ luật Dân sự).
Ngoài ra, theo khoản 3 điều 56 luật Công chứng, di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng về việc làm này.
Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng, thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Việc hủy bỏ di chúc cũng có thể tiến hành tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã.
Đồng thời, các đơn vị này phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan đã chứng thực trước đây để ghi chú vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Bình luận (0)