Lập hội trầm hương

24/05/2014 10:15 GMT+7

Để tăng sức cạnh tranh của trầm hương trên thị trường cũng như tránh bị tư thương ép giá, hàng chục người chuyên buôn bán mặt hàng này đã quy tụ lại và thành lập hội trầm hương đầu tiên ở Quảng Nam.

Lập hội trầm hương
Sản phẩm trầm hương H.Tiên Phước ra với thị trường trong và ngoài nước dễ dàng hơn thông qua Hội TCMN Trầm hương - Ảnh: Hoàng Sơn

Cách đây 1 năm, Hội Thủ công mỹ nghệ (TCMN) Trầm hương Tiên Phước (H.Tiên Phước) được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, với sự tham gia tự nguyện của 23 thành viên là chủ những cơ sở, công ty chuyên mua bán, sản xuất và chế biến các mặt hàng từ trầm hương. Và chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều người đã nhận ra “tác dụng” bảo vệ lợi ích của hội mang lại cho từng thành viên. Thành công đầu tiên phải kể đến đó là việc người buôn trầm không còn bị các tư thương Trung Quốc, Đài Loan… ép giá như trước đây.

Ông Hoàng Văn Trưởng, Chủ tịch Hội cho biết: “Người chế tác trầm cảnh thường thiếu hụt nguồn vốn nên khi làm ra sản phẩm họ không dám để lâu bởi không có tiền xoay vòng. Nên, dù không được giá nhưng nhiều người vẫn bán để thu hồi vốn, có khi bán tháo. Vì thế, giá cả trầm hương có lúc tụt dốc thê thảm với giá chỉ khoảng 1 triệu đồng/kg”. Nhưng từ khi Hội TCMN Trầm hương Tiên Phước ra đời, nhiều chủ cơ sở đã yên tâm không sợ bị ép giá. Chỉ cần một vị khách vào địa bàn hỏi mua hàng thì dường như ngay lập tức người bán thông qua Hội để cập nhật giá cả. “Sau khi thực hiện giao dịch, thành viên bán được trầm hương sẽ thông báo cho các thành viên còn lại để nắm mức giá chung. Do vậy, các thành viên không chỉ biết được mức giá bán ra mà còn chủ động đưa ra mức phù hợp để thu hút tư thương”, ông Trưởng phân tích.

Theo nhiều thành viên, trong nghề khó nhất là công nghệ cấy, tạo trầm nhân tạo trên cây dó bầu. Trồng được cây dó đúng kỹ thuật đã khó, thế nhưng làm sao để cây dó cho trầm hương là điều không phải ai cũng làm được. Trong tự nhiên, trầm hương là phần gỗ của cây dó bị nhiễm dầu do tác động của tự nhiên hoặc bị tổn thương. Tuy nhiên, dó bầu trồng không thể làm cho cây bị thương được mà phải có kỹ thuật bơm phun hóa chất thông qua các lỗ khoan vào thân cây. Ban đầu, khi chưa tham gia hội, nhiều người chỉ biết đục đẽo làm trầm cảnh, trầm mỹ nghệ nhưng rồi qua trao đổi kinh nghiệm đến nay, không ít người đã nắm được kỹ thuật này. “Khi chưa gặp gỡ, chưa quen biết, mỗi người đều giấu bí quyết của riêng mình để làm ăn. Nhưng một khi đã hiểu lòng nhau, anh em trong hội chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cho nhau cách thức tạo trầm để cùng phát triển”, Phó chủ tịch Hội TCMN Trầm hương Tiên Phước Trương Công Lương nói thêm.

Trong số nhiều người tạo trầm trên cây dó ở Tiên Phước, ông Lương là một trong những người có tay nghề cao và nổi tiếng với chất dẫn lưu hóa học hiệu quả. Đặc biệt, “phương thuốc” do ông sáng chế ra chỉ cần “tiêm” vào thân cây khoảng 5 mũi khoan là đã có thể tạo thành trầm hương liền mạch từ thân đến các nhánh thay vì phải bơm nhiều lần vào thân dó như hiện nay. Ông Lương cho biết, tham gia Hội TCMN Trầm hương Tiên Phước, ông cũng mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm mình có được để giúp các thành viên khác. Không chỉ thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, khi Hội TCMN Trầm hương Tiên Phước ra đời với tư cách pháp nhân rõ ràng còn có thể thực hiện nhiều dự án lớn khác. Hai dự án mà Hội đang xúc tiến là thành lập làng nghề tập trung và xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu trầm hương từ phụ phẩm.

“Làm ăn hiện đại hơn thì phải biết cách tận dụng phụ phẩm từ cây dó vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa tránh thất thoát một lượng lớn tinh dầu. Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã khảo sát và trong nay mai sẽ hỗ trợ dây chuyền chưng cất tinh dầu trị giá khoảng 300 triệu đồng. Khi đó, tinh dầu trầm hương Tiên Phước sẽ ra lò với giá không dưới 100 triệu đồng/lít”, ông Trưởng chia sẻ.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.