Hàng loạt các doanh nghiệp quảng cáo tràn lan trên mạng là trường dạy nghề với nhiều nội dung hấp dẫn nhưng thực tế không phải vậy.
Một nơi được giới thiệu là cơ sở đào tạo của học viện Vinalink, thực tế là quán phở - Ảnh: Nữ Vương |
Trên mạng hiện có hàng loạt quảng cáo các khóa đào tạo ngắn hạn do doanh nghiệp mở lớp nhưng gọi là “trường đào tạo nghề”. Từ các lớp học nấu ăn, pha chế, chăm sóc sắc đẹp, làm tóc, xăm hình cho tới các khóa về kinh doanh qua mạng, chuyên viên nhân sự, khởi nghiệp làm chủ... đều tự nhận là trường nghề để thu hút người học.
Học viên chỉ là... quán phở
Nhân viên tư vấn ở những nơi này khi nói chuyện với học viên luôn đưa ra những thông tin hấp dẫn. Chẳng hạn Netspace tự giới thiệu đây là trường dạy học nấu ăn, nếu học bếp quốc tế sẽ được cấp chứng chỉ của trường, nhưng có giá trị quốc tế. Học phí khóa học này lên tới 25 triệu đồng trong vòng 8 tháng rưỡi (6 tháng rưỡi học tại trường và 2 tháng đi thực tập).
Học viện Vinalink (thuộc Công ty cổ phần kết nối truyền thông VN) quảng cáo các khóa học “SEO vua” (tập hợp các phương pháp nhằm đưa website lên vị trí tốp 10 (trang đầu) trong các trang kết quả tìm kiếm), khóa học tiếp thị Facebook, bán hàng online... Nhân viên của trang này cho biết, học phí hiện đang từ 5,9 triệu giảm còn 3,9 triệu đồng/người, đăng ký nhóm từ 2 - 5 người thì được giảm còn 3,4 triệu đồng/người... Nếu học tốt còn được công ty giới thiệu việc làm ngay. Tại TP.HCM, học viên sẽ học ở số 95 Phó Đức Chính, Q.1. Tuy nhiên, tìm đến địa chỉ này thì là một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, không có nơi nào gọi là “học viện Vinalink”. Chúng tôi tiếp tục hỏi lại thì nhân viên của Vinalink cho biết: “Bây giờ trường tập trung dạy ở số 6 Phan Đình Giót, Q.Tân Bình chứ không dạy ở Phó Đức Chính nữa. Bạn có thể đóng tiền trước khi học, khóa này 3,9 triệu đồng. Nếu đóng trước sẽ được ưu đãi học phí và tặng kèm khóa học bán hàng online trị giá 1,9 triệu đồng”. Sau đó, nhân viên cung cấp một số tài khoản cá nhân mang tên N.T.Nhung và nói người học có thể chuyển khoản vào đó. Như vậy, lúc thì nhân viên nói học ở Phó Đức Chính (thực chất không có), lúc lại di chuyển địa điểm khác một cách mập mờ, rồi nói học viên có thể chuyển khoản tiền học trước.
Rất nhiều đơn vị khác cũng tự nhận là trường như Trường Đào tạo kinh doanh ASK, Trường Doanh nhân tư thục PTI, Trường dạy pha chế hàng đầu VN - Hội đầu bếp Á Âu, Trường dạy nghề Minh Đan, Trường dạy nghề thẩm mỹ Xinh Xinh...
Lừa phỉnh người học
Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: “Theo luật Giáo dục nghề nghiệp, chỉ trường TC, CĐ mới được gọi là trường, còn doanh nghiệp mà đào tạo nghề ngắn hạn chỉ được gọi là cơ sở đào tạo nghề. Họ cố ý lập lờ để quảng bá, chiêu sinh cho dễ dàng hơn”. Ông Hiệp nói thêm, muốn trở thành trường phải đáp ứng đủ những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên, chương trình đào tạo và phải có quyết định thành lập của UBND tỉnh, thành hoặc của Bộ LĐ-TB-XH.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH, cũng nhìn nhận hiện nay chỉ những nơi đào tạo trình độ TC, CĐ nghề mới được gọi là trường. “Việc đào tạo nghề ngắn hạn chỉ là một nội dung kinh doanh của các doanh nghiệp, cho nên chỉ có thể gọi là cơ sở dạy nghề, không thể gọi là trường vì như vậy là hoàn toàn sai quy định. Ngoài ra, những nơi quảng cáo là chứng chỉ do trường cấp mà có giá trị quốc tế, hoặc những cụm từ “hàng đầu VN”, “do đầu bếp hàng đầu thế giới dạy” chỉ là lừa phỉnh người học”, ông Minh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thành Hiệp còn cho biết thêm việc cấp chứng chỉ cho các khóa học ngắn hạn rất dễ dàng. Các doanh nghiệp có thể đăng ký mua chứng chỉ tại Sở LĐ-TB-XH hoặc có thể tự in theo mẫu của Bộ LĐ-TB-XH (cùng kích thước, nội dung, màu sắc...). Nhiều doanh nghiệp cũng tự thiết kế mẫu chứng chỉ của trường cấp cho học viên.
Hiện nay việc đăng một quảng cáo trên mạng quá dễ dàng cũng góp phần làm cho các hoạt động đào tạo của doanh nghiệp trở nên khó kiểm soát, sai với thực tế. Chỉ cần có một thẻ visa và thực hiện 5 thao tác là 2 phút sau, những trang web quảng cáo trường dạy nghề sẽ xuất hiện ngay trên tốp của trang tìm kiếm. Điều đáng nói là những “trường dạy nghề” sai tên gọi đó nằm lẫn lộn với những trường dạy nghề được nhà nước công nhận, theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”, khiến người học khó mà phân biệt.
Bình luận (0)