Theo Quyết định 207/QĐ-TTg vừa được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phê duyệt về kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch triển khai; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, chiến dịch truyền thông chung và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước và các địa phương...
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động sang làm việc tại Malaysia phải thực hiện đúng bản ghi nhớ; nghiên cứu các quy định pháp luật nước bạn về tiếp nhận và quản lý lao động ngoài nước, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Bộ LĐ-TB-XH được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì thực hiện và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động sang Malaysia làm việc theo hợp đồng.
Quyết định cũng nêu rõ, Việt Nam phối hợp với phía Malaysia thành lập nhóm công tác chung để theo dõi việc thực hiện bản ghi nhớ, tổ chức họp định kỳ 1 năm một lần và đột xuất trong trường hợp cần thiết để trao đổi, đưa ra giải pháp kịp thời cho các vấn đề liên quan phát sinh trong quá trình thực hiện, đánh giá việc thực hiện văn kiện, báo cáo Chính phủ hai nước việc sửa đổi, bổ sung điều khoản của bản ghi nhớ.
Thành phần chính nhóm công tác của Việt Nam gồm tổ công tác của Bộ LĐ-TB-XH, lãnh đạo Ban Quản lý lao động và chuyên gia thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
Trong trường hợp cần thiết, tổ công tác của Bộ LĐ-TB-XH báo cáo lãnh đạo bộ này mời đại diện các bộ, ngành có liên quan khác tham gia nhóm công tác của Việt Nam.
Chính phủ yêu cầu trong quý 1.2023 phải hoàn thành việc thành lập nhóm công tác của Việt Nam và hoạt động suốt thời gian có hiệu lực của bản ghi nhớ.
Hiện nay, lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Trong 2 năm vừa qua, nhiều ngành, khu vực kinh tế của Malaysia thiếu lao động, đặc biệt là trồng cọ và giúp việc gia đình do thiếu hụt nguồn cung lao động từ Philippines và Indonesia. Nhiều doanh nghiệp đã có đề nghị tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc trong 2 ngành nghề này. Tuy nhiên, điều kiện lao động và việc quản lý lao động thực tế 2 ngành nghề này còn có khó khăn.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đề nghị các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi làm việc với các đối tác có yêu cầu tiếp nhận lao động hai ngành nghề trên để đảm bảo quyền lợi và tránh các nguy cơ rủi ro đối với người lao động.
Bình luận (0)