Lập phố 'nhạy cảm' để quản lý mại dâm: 'Chưa phù hợp!'

26/10/2015 19:30 GMT+7

(TNO) Hiện nay, hành lang pháp lý được xây dựng, chế tài theo hướng mại dâm là tệ nạn, do đó buộc phải cấm, xử phạt những cá nhân vi phạm, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM nói.

(TNO) Hiện nay, hành lang pháp lý được xây dựng, chế tài theo hướng mại dâm là tệ nạn, do đó buộc phải cấm, xử phạt những cá nhân vi phạm, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM nói.

Kiểm tra xử lý một quán karaoke có nữ tiếp viên phục vụ - Ảnh: Công NguyênKiểm tra xử lý một quán karaoke có nữ tiếp viên phục vụ - Ảnh: Công Nguyên
Tuy nhiên, ông Huỳnh Công Hùng cho rằng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn một thực tế là lệnh cấm không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Hoạt động này vẫn diễn ra trên thực tế. Chúng ta phòng chống nơi này thì “nó” chạy sang nơi khác. Người vi phạm bị phát hiện, bị phạt tiền nhưng sau đó tái phạm.
“Nếu chúng ta xem mại dâm là một tệ nạn xã hội thì điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định được tệ nạn ấy là “bệnh” gì để có cách “chữa trị”, ông Hùng nói.
Về đề xuất lập "khu nhạy cảm”, quy tụ các ngành nghề như massage, karaoke..., ông Trần Văn Lĩnh, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, đó là sự thật đã tồn tại trong xã hội, nhà quản lý cần tôn trọng thừa nhận bằng tạo ra những biện pháp quản lý thật tốt, mỗi tỉnh thành đều có thể quy hoạch một khu vực nào đó, cấp giấy phép hoạt động.
Đối với mại dâm, đó là câu chuyện của những nhà làm luật, nếu cấm thì cứ cấm, nhưng các ngành nghề karaoke, massage thì không cấm được nên cứ phải đưa vào một khu vực riêng để dễ quản lý.
Tuy nhiên, khu phố các ngành nghề này nên xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống nhân dân, nhất là trong chuyện giáo dục trẻ em.
“Ở góc độ kinh tế, các điểm giải trí dịch vụ này thường áp dụng mức thuế khoán, nếu mỗi cơ sở nằm mỗi nơi thì chủ cơ sở có thể đưa ra nhiều lý do để xin hưởng mức thuế khác nhau, đơn vị thu thuế cũng ứng xử khác nhau, nhưng khi đã tập trung vào một khu vực, thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý được mức thuế này, chống thất thu và trốn thuế”, ông Lĩnh nói.
Nguyễn Tú
Theo ông Hùng, mại dâm là một tồn tại, một hiện tượng cụ thể của xã hội thì phải căn cứ vào bản chất của vấn đề để xử lý. Thực tế là không thể căn cứ vào cách nhìn nhận chủ quan để áp đặt, quản lý một hiện tượng xã hội cụ thể được.
“Quản lý xã hội bằng pháp luật thì mình từng bước quản lý các hiện tượng xã hội cụ thể nó như thế nào, chứ không thể nói phòng chống chung chung. Nếu mình cứ duy tâm chủ quan thì không thể giải quyết được những hành vi được xem là tồn tại xã hội. Việc quản lý hoạt động mại dâm cần rạch ròi, cần có những tính toán cụ thể, khả thi và không nên chỉ kêu gọi chung chung”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn quản trị công nghệ quốc tế, cho rằng về góc độ quản lý thì đề xuất lập “phố nhạy cảm” cần được xem xét. Tuy nhiên, theo ông Quân, lập “phố nhạy cảm” đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm.
“Nếu hợp pháp hóa thì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của một xã hội Á Đông như Việt Nam, và đặc biệt là không phù hợp với cách thức quản lý của chúng ta hiện tại. Rất nhiều vấn đề của xã hội đã có luật để quản lý nhưng vẫn không quản lý được. Tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được như mong muốn, ngay cả trong cách hành xử của một số người được giao trách nhiệm thực thi công vụ. Đơn giản như vấn đề lòng lề đường mà còn quản chưa được thì việc lập “phố nhạy cảm” sẽ phát sinh nhiều phức tạp nữa”, ông Quân nhìn nhận.
Đại úy Nguyễn Nam Hào (thuộc Cơ quan CSĐT Bộ công an) cho rằng, mọi đề xuất đều phải căn cứ trên các quy định của pháp luật, phù hợp với pháp luật hiện hành thì đề xuất mới có tính khả thi. Các đề án đưa ra đều không được trái với các quy định của pháp luật.
Ông Hào phân tích, đề xuất việc lập khu “nhạy cảm” để quản lý hoạt động mại dâm, tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" để quản lý là có tính thực tế; tuy nhiên về khía cạnh pháp luật thì việc lập khu quản lý hoạt động mại dâm là không phù hợp với quy định hiện hành.
Luật đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, có quy định rõ 6 ngành nghề bị cấm kinh doanh, trong đó có kinh doanh mại dâm. Vì vậy, mọi hoạt động, mọi đề án mở cửa cho kinh doanh mại dâm, dù có đưa vào khu quản lý đặc biệt, quản lý chặt chẽ đến mức nào, cũng đều trái luật.
Về khía cạnh pháp luật, việc lập khu quản lý hoạt động mại dâm là không phù hợp với quy định hiện hành - Ảnh: C.A
Từ điều 22 đến điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật với chế tài xử lý nghiêm khắc đối vơi các hành vi mua bán dâm, hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm; hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm.
Theo điều 255 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) cũng quy định tội môi giới mại dâm với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù. 
Từ các quy định pháp luật nêu trên thể hiện rõ tinh thần của pháp luật nước ta là nghiêm cấm các hành vi liên quan đến việc mua bán dâm. Đây là ngành nghề "nhạy cảm" bị nghiêm cấm. Vì vậy, việc đề xuất lập "khu nhạy cảm" là chưa hiểu rõ pháp luật cũng như ý chí của quốc hội. Nếu có đề án về việc quản lý ngành nghề nhạy cảm thì sẽ không có tính khả thi, không có khả năng thực hiện vì nó trái luật, đại úy Nguyễn Nam Hào phân tích.
"Đề xuất thành lập thí điểm 'khu nhạy cảm' chỉ là ý kiến cá nhân"

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online ngày 26.10, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, người đưa ra đề xuất lập "khu nhạy cảm" tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 vào hôm 23.10, nhấn mạnh rằng, đề xuất thành lập thí điểm "khu nhạy cảm" chỉ là ý kiến cá nhân.

Qua quá trình công tác, tham mưu ông Quý thấy rằng nếu được Trung ương cho phép thì nên chăng cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… để từ đó rút kinh nghiệm, xem cái gì được, cái gì tốt và cái gì chưa được để có trải nghiệm, triển khai ở một số tỉnh, thành khác.

Cũng theo ông Quý, mục đích của việc tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ "nhạy cảm" như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn chứ không phải thừa nhận mại dâm.

Nhà nước sẽ quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở này, họ sẽ phải được ký hợp đồng lao động và hưởng lương đầy đủ chứ không phải ký hợp đồng lao động theo hình thức như hiện nay, được bảo vệ khỏi bị bóc lột, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và được chăm sóc sức khỏe về y tế. Đồng thời, việc tập trung cũng sẽ đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự tại khu vực.

"Còn về cơ chế thực hiện như thế nào, chính sách gì để thu hút các cơ sở dịch vụ vào khu vực này thì sẽ còn phối hợp các sở ban ngành để bàn thêm", ông Quý nói.

Tuy nhiên, theo ông Quý, khi tập trung các cơ sở này thì cần phải có các chính sách ưu đãi như về thuế, về thủ tục, tạo điều kiện kinh doanh… nhằm khuyến khích các cơ sở mới thành lập đăng ký vào khu vực này.

Đối với những cơ sở hiện hữu, đang hoạt động thì vẫn để hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt chẽ, nếu để xảy ra tệ nạn xã hội sẽ có chính sách xử lý thật nghiêm. Đồng thời, về lâu dài nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích các cơ sở này di chuyển vào khu vực nhạy cảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.