'Lập trình' cho ngoại giao điện ảnh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/02/2024 04:18 GMT+7

Khi phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh được Đài CNN (Mỹ) bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, sự kiện đó không khác gì một hoạt động ngoại giao văn hóa. Ở đó, văn hóa Việt được biết đến nhiều hơn, hình ảnh của con người VN cũng vậy.

Cho tới giờ, những buổi chiếu tôn vinh vị đạo diễn của Bao giờ cho đến tháng Mười vẫn tiếp tục diễn ra. Mới nhất, tháng phim mang tên Bây giờ đã đến tháng Mười được tổ chức năm 2023 đã đặc biệt nhìn lại sự nghiệp của đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng với nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển được chiếu lại.

Trừ Hoa nhài (2022) là đầu tư tư nhân, Thương nhớ đồng quê do NHK đầu tư, những phim còn lại đều là phim nhà nước đầu tư: Thị xã trong tầm tay (1983), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987), Mùa ổi (2000), Tháng năm, những gương mặt (1977), Trở về (1994), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997). Tháng phim đặc biệt nhìn lại sự nghiệp đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đồng thời cho thấy thành tựu của điện ảnh nhà nước - khi các bộ phim hầu như không cần toan tính lời lỗ, chỉ đơn thuần làm sao để có tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Giờ đây, các bộ phim nhà nước ra rạp ít đến mức gần như không có. Khi Đào, phở và piano ra rạp, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) Vi Kiến Thành nói như reo lên: "Rất lâu rồi chúng ta mới lại có được phim nhà nước đặt hàng". Thực tế cho thấy, bộ phim cũng thu hút được lượng khán giả nhất định ngoài rạp. Lượng vé bán được, thậm chí còn hơn một số phim nhập ngoại. Điều này lại càng nhắc nhớ đến thời kỳ điện ảnh nhà nước có những bộ phim làm nên niềm tự hào nghề nghiệp.

Nhìn lại điện ảnh nhiều năm qua, sự phát triển của phim tư nhân ngày càng mạnh với số lượng phim cũng như doanh thu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, đương nhiên các tác phẩm này sẽ nghiêng về giải trí, thương mại. Những bộ phim về chiến tranh vệ quốc, những tác phẩm có thông điệp thời cuộc khó có thể được họ ưu tiên. Đây cũng chính là điều nhà nước cần điều phối để những sản phẩm điện ảnh như vậy được ra đời. Thậm chí, với những tác phẩm được nhà nước đầu tư thích đáng cho những tài năng điện ảnh xứng đáng, chúng ta có thể mơ giấc mơ ngoại giao điện ảnh, quảng bá thương hiệu ở các giải thưởng quốc tế.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên đầu tư các phim với chất lượng nghệ thuật cao nhưng không quá xa lạ với khán giả phổ thông, để họ có thể dễ dàng cảm nhận. Nói đâu xa, phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương nằm trong short list Oscar, khi ra rạp cũng đã có nhiều phản hồi tích cực. Nếu chính sách nhà nước có thể được tiếp sức bằng những suất chiếu tới các vùng miền khác nhau, chắc chắn vẻ đẹp, chất nhân văn và thông điệp giới, thông điệp văn hóa của phim sẽ còn đi xa hơn nữa. Những đứa trẻ trong sương không phải là một phim nhà nước, nhưng nếu nhà nước chủ trương đỡ đầu các tác phẩm như thế, chắc chắn điện ảnh Việt sẽ có nhiều tác phẩm để cả ngoại giao lẫn đối nội điện ảnh.

Chính vì thế, cơ chế để tìm kiếm tài năng, tìm kiếm dự án phim cần được đẩy mạnh hơn, nhằm đón những Bao giờ cho đến tháng Mười, Những đứa trẻ trong sương… của tương lai. Hội đồng phim quốc gia, nếu cần, sẽ không chỉ để duyệt phim mà còn để tìm kiếm, vun xới tài năng điện ảnh, muốn thế cần có sự mở rộng để đón những người làm nghề điện ảnh giỏi có tầm nhìn xa. Cơ chế tìm kiếm, chi trả phải có mục tiêu rõ ràng hướng tới tác phẩm đỉnh cao. Khi đó, những đồng tiền nhà nước đầu tư cho phim sẽ được chi, dùng hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.