Lắp xong tuabin, dự án điện gió vẫn lo không kịp hạn hưởng giá tốt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/10/2021 12:19 GMT+7

Khoảng 2 tuần nữa là hạn cuối để các dự án điện gió nhận giá ưu đãi (giá FIT, cố định trong 20 năm), trong khi những công việc còn lại vẫn ngổn ngang, thủ tục phức tạp xen nỗi lo vỡ nợ, phá sản chực chờ.

Hồi hộp từng ngày

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, hạn chót để các dự án điện gió được hưởng giá gần 2.000 đồng/kWh trong 20 năm sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đến nay vẫn còn đứng ngồi không yên bởi “núi thủ tục” đang chờ phía trước.

Không ít nhà đầu tư thừa nhận rằng những phần việc sắp tới đang nằm ngoài khả năng của họ. Thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quá trình thi công điện gió, các thủ tục vận hành thương mại, nhưng các nhà đầu tư đều đề nghị “không nêu tên” vì đang trong “giai đoạn nhạy cảm” về tiến độ.

Không phải dự án điện gió nào ở Quảng Trị cũng may mắn kịp nghiệm thu

Nguyễn phúc

Một nhà đầu tư dự án điện gió ở Quảng Trị chia sẻ: “Chúng tôi đã lắp đặt xong tuabin, đang làm thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại (COD), nếu theo đúng dự kiến thì ngày 20.10 là xong tất cả để dự án được vận hành thương mại. Thế nhưng, từ giờ đến 20.10 còn 1 tuần, để nhận được văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu còn vấn đề nào phát sinh hay không thì chúng tôi không lường hết được. Hiện nay còn rất nhiều thủ tục với ngành công thương địa phương và ngành điện trong kiểm tra công tác nghiệm thu. “Giai đoạn này tập trung rất nhiều thủ tục cần hoàn thiện, chưa xong thì không nói trước được điều gì cả”, vị này lo âu.

Quảng Trị là một trong số các địa phương tập trung rất nhiều dự án điện gió, đặc biệt ở H.Hướng Hóa. Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, tỉnh này mới có 2 dự án công suất 60 MW đi vào hoạt động, 29 dự án với tổng công suất 1.117,2 MW được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư. Trong số này có 19 dự án đã được thi công xây dựng và đang lắp đặt thiết bị. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều dự án sẽ chậm tiến độ, không kịp COD hoặc chỉ hoàn thành COD được một số trụ tuabin.

Kể về quá trình thi công dự án ở Quảng Trị, đại diện nhà đầu tư nêu trên cho biết, dự án được thi công từ 2020, đã trải qua nhiều khó khăn như mưa lũ, dịch bệnh. Điển hình nhất là tình trạng sạt trượt do mưa bão năm ngoái khiến hầu hết dự án tại địa phương này gặp khó. “Các doanh nghiệp điện gió ở Quảng Trị cũng đã có văn bản kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT thêm một thời gian, nhưng đến nay có được chấp thuận hay không thì không biết”, ông nói.

Tình cảnh này cũng tương tự nhiều dự án trên khắp cả nước. Giám đốc một dự án điện gió ở Bình Thuận chia sẻ, có dự án đã xong lắp tuabin thế nhưng thủ tục đất đai lại chưa xong, cho nên bị vướng vào thủ tục pháp lý trong quá trình làm thủ tục công nhận COD.

“Dịch bệnh cũng khiến chúng tôi đã bị nhỡ tiến độ giao nhận thiết bị. Chưa kể hồ sơ đất đai cũng gặp nhiều vấn đề khiến tiến độ bị kéo dài. Dịch Covid-19 cũng khiến chúng tôi không thể làm việc với các lãnh đạo, sở, ban, ngành. Thủ tục pháp lý không hoàn thành thì nhà đầu tư có vỡ nợ hay không. Đây là tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư ở Bình Thuận lúc này”, doanh nghiệp này chia sẻ.

“Hồ sơ thiếu rất nhiều”

Không phải đến bây giờ mà từ hơn 1 năm nay, các hiệp hội điện gió đã có không ít văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương lùi thời hạn áp dụng giá FIT. Hàng chục địa phương như Gia Lai, Đắk Nông, Sóc Trăng, Trà Vinh… cũng lên tiếng về sự cần thiết lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho điện gió.

Tuy nhiên, đến nay, mong muốn gần như sẽ không thành khi Bộ Công thương cho hay không trình Chính phủ gia hạn.

Có hàng chục dự án điện gió sẽ lỡ "chuyến tàu giá ưu đãi"

nguyễn phúc

Số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD thì đến cuối tháng 9, có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD.

Cập nhật mới nhất của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho hay, trong nửa tháng 10 này chỉ có 2 - 3 nhà máy được nghiệm thu. “Hồ sơ gửi về là trên 50, nhưng thủ tục thiếu rất nhiều, nhất là thủ tục về nghiệm thu phòng cháy chữa cháy”, một lãnh đạo Cục nói. Theo vị này, nếu suôn sẻ thì đến hết tháng 10, nhiều lắm số dự án được nghiệm thu vẫn dưới 50%, với khoảng 2.600 MW trong tổng số 5.600 MW của 106 dự án nói trên.

Chia sẻ về việc lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, cho rằng việc lùi thời hạn cũng phù hợp với chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và nhà nước cũng đồng hành - chia sẻ với doanh nghiệp khi khó khăn. "Điều này không chỉ giúp ích cho chính các doanh nghiệp đang đầu tư và đang chịu hậu quả của đại dịch này mà còn khuyến khích các nhà đầu tư khác cũng có thể yên tâm tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực theo kêu gọi của Chính phủ”, ông Lộc nói.

Với điện gió ngoài khơi, nhiều nhà đầu tư cũng đứng ngồi không yên. Dù mức giá cho điện gió ngoài khơi quy định giá bán hơn 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 cent/kWh) nhưng suốt gần 3 năm nay chưa một dự án nào được khởi công dù nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, thăm dò kỹ lưỡng. Đến 31.10.2021, mức giá kể trên cũng sẽ chấm dứt, đặt điện gió ngoài khơi vào một tương lai bất định.

Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), không ít lần bày tỏ mong muốn Bộ Công thương, Chính phủ cho phép phát triển 10.000 MW điện gió từ nay đến 2030, thay vì chỉ ở mức 2.000 - 3.000 MW như tại dự thảo Quy hoạch điện 8. Đồng thời, cho phép 4.000 - 5.000 MW điện gió đầu tiên được hỗ trợ giá FIT. Bởi lẽ, một dự án điện gió ngoài khơi muốn có tính kinh tế thì quy mô phải 400 - 500 MW, với vốn đầu tư tầm 800 triệu - 1 tỉ USD trở lên. Thời gian triển khai mất khoảng 5 - 7 năm, từ lúc bắt đầu phát triển đến khi vận hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.