Bộ Công thương 'không kiến nghị Chính phủ gia hạn giá cố định cho điện gió'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
30/09/2021 20:25 GMT+7

Bộ Công thương khẳng định sẽ không trình Chính phủ gia hạn giá cố định đối với các dự án điện gió vận hành sau 31.10 và các dự án này phải đàm phán với EVN để xác định giá mua điện.

Dù nhận nhiều kiến nghị về gia hạn giá cố định (FIT) đối với các dự án điện gió không kịp tiến độ 31.10 để hưởng giá ưu đãi, nhưng Bộ Công thương khẳng định sẽ không trình Chính phủ gia hạn và các dự án này phải đàm phán với EVN để xác định giá mua điện.
Các vấn đề liên quan đến giá điện, Quy hoạch điện VIII đã được đặt ra với đại diện các vụ cục của Bộ Công thương tại họp báo quý 3 của Bộ này diễn ra chiều 30.9.
Trả lời câu hỏi về việc có gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió không kịp về đích trong tháng 10 để hưởng giá cố định trong 20 năm theo Quyết định 39 của Thủ tướng, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định Bộ này sẽ không trình Thủ tướng gia hạn.
Ông Dũng cho hay, gần đây có nhiều thông tin nói rằng Bộ Công thương đang xem xét để gia hạn cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió sau khi cơ chế này sẽ hết hạn vào 31.10. “Chúng tôi xin nói thẳng rằng chúng tôi không trả lời báo chí thông tin là sẽ gia hạn hay báo cáo Chính phủ việc gia hạn”, ông Dũng bác bỏ.

Các dự án điện gió đang chạy đua cho kịp hoàn thành trước 31.10 để hưởng giá cố định trong 20 năm

Ngọc Thắng

Vị này cho hay, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 8 đã có 106 dự án điện gió đã nộp hồ sơ đề nghị được công nhận nghiệm thu để kịp hưởng giá FIT, trong đó có 54 dự án thuộc thẩm quyền Bộ Công thương nghiệm thu và trong số này có gần 30 dự án đã nộp hồ sơ cho Cục.
“Điều đó cho thấy có nhiều dự án đã được chủ đầu tư nỗ lực để đưa dự án kịp tiến độ. Thời gian qua chúng tôi nhận khá nhiều đề xuất của các tỉnh, chủ đầu tư đề nghị gia hạn, vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là nói do Covid-19 làm chậm ảnh hưởng tiến độ”, ông Dũng nói.
Về cơ chế cho các dự án không kịp tiến độ hưởng giá FIT, ông Dũng cho biết, Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu. “Tình huống của các dự án dở dang không kịp trước 31.10 thì xử lý theo nguyên tắc xem xét chi phí kinh tế kỹ thuật, để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện là EVN trên cơ sở khung giá đã được Bộ Công thương quy định", ông Dũng thông tin thêm.
Trong vài tháng trở lại đây, DN kiến nghị họ gần như không thể tiến hành triển khai dự án được do các quy định giãn cách nghiêm ngặt tại địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, Nghị quyết Số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 có yêu cầu: “Tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm ‘sớm nhất – hiệu quả nhất’ nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp”.
Vì thế, trong khi các ngành khác đã có hỗ trợ của Chính phủ như du lịch, hàng không, vận tải… thì nên chăng Bộ Công thương cũng cần có sự xem xét cụ thể khó khăn, tổn thất thực sự của các dự án điện gió không kịp tiến độ 31.10 rồi mới quyết định giải pháp cụ thể.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.