Thấp thỏm như… điện gió ngoài khơi

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/08/2021 15:09 GMT+7

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đã đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế về chuyển sang đấu thầu cho điện gió ngoài khơi, đồng thời kiến nghị Việt Nam xem xét áp dụng cơ chế giá cố định trong thời kỳ chuyển đổi.

 Cần cơ chế cho thời gian chuyển đổi
Nghiên cứu của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, phần lớn các quốc gia thành công trên thế giới về phát triển điện gió ngoài khơi có điểm chung là họ đều áp dụng giá FIT, hoặc cho một số lượng công suất nhất định, hoặc trong một thời gian đủ dài trước khi triển khai cơ chế đấu thầu ngay.
Ở Đài Loan, loạt dự án có tổng công suất trên 3,8 GW được tham gia FIT, trước khi các vòng đấu thầu cạnh tranh điện gió ngoài khơi thực hiện vào năm 2018. Cùng với đó, con số dự án đấu thầu cũng phải đủ lớn, với 1,5 GW và đều có vị trí đẹp. Chính quyền Đài Loan coi dung lượng thị trường đủ lớn cộng với vị trí đẹp là điều kiện quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh. Các vòng đấu thầu tiếp theo dự kiến diễn ra năm 2022 và 2024, song trong thời gian này, vẫn còn 4 GW được hưởng cơ chế giá FIT song song.
Tại châu Âu, Hà Lan là quốc gia áp dụng đấu thầu từ rất sớm, 10 năm trước, sau giai đoạn dài áp dụng giá FIT cho điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, cả khi chuyển sang đấu thầu, Hà Lan vẫn áp dụng 1 GW được hưởng cơ chế giá ưu đãi. Hầu hết các dự án đấu thầu của Hà Lan đều thành công, nhờ những nguyên do như trước khi công bố lộ trình đấu thầu kéo dài tới 10 năm sau đó, Chính phủ minh bạch rất rõ các mục tiêu, công bố quy hoạch biển để đề xuất khu vực phát triển dự án; cơ chế hỗ trợ tính theo số tải trọng trên giờ trong 15 năm. Bài học thành công của Anh, Đức cũng tương tự khi họ có cơ chế tương tự giá FIT trong thời gian gối đầu.
Trong khi đó, Pháp được điểm ra là ví dụ cho sự thất bại khi áp dụng cơ chế đấu thầu. Lý do là vì thị trường Pháp vẫn còn mới trong phát triển điện gió ngoài khơi, đã áp dụng đấu thầu cạnh tranh từ đầu với mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa trong tiêu chí đấu thầu lên đến 40% tổng điểm. “Những dự án đầu tiên thắng thầu với mức giá rất cao, song sau đó đã bị yêu cầu đàm phán lại vì mức giá quá cao so với mặt bằng chung châu Âu. Vì mới, không có sẵn chuỗi cung ứng để tận dụng, nên Pháp chật vật để có thể tiến hành những dự án thắng thầu đầu tiên này”, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của GWEC, cho hay.

Ngóng chờ

Cũng theo bà Liming Qiao, ở Việt Nam, cơ chế giá FIT cũng đã áp dụng cho điện gió ngoài khơi, nhưng chỉ trong 2 năm là không đủ cho 1 dự án triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, thực tế trên toàn cầu đã chứng minh, một dự án điện gió ngoài khơi muốn có hiệu quả thì quy mô ít nhất phải 400 - 500 MW, với mức vốn đầu tư tầm 800 triệu - 1 tỉ USD và cần thời gian ít nhất 5 năm triển khai.

Tháng 11 tới, chính sách ưu đãi cho điện gió sẽ hết trong khi chưa rõ cơ chế đấu thầu sẽ ra sao

Ảnh GWEC

Cho nên, tâm lý chung của các chủ đầu tư những dự án tỉ đô này là đang ngóng chờ những động thái tiếp theo của cơ quan quản lý khi mà thời gian 2 năm giá FIT sẽ hết hạn sau hơn 2 tháng nữa.
Trong gần 3 năm qua, nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều khảo sát, nghiên cứu về điện gió ngoài khơi. Mức giá hơn 2.200 đồng/kWh này với nhiều nhà đầu tư là “chấp nhận được”. Thế nhưng, thời gian 2 năm là quá ngắn ngủi để những dự án này có thể triển khai trong thực tế.
“Dự án điện gió Phú Cường ở Sóc Trăng của chúng tôi dự tính đầu tư cả tỉ USD, sẵn sàng khởi công giai đoạn 1 nếu cơ chế giá cố định (FIT) được gia hạn, hay có chính sách rõ ràng từ Chính phủ”, đại diện đến từ Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam chia sẻ.
Đại diện Tập đoàn Copenhagen Offshore Partner - đơn vị đang tham gia dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) với công suất lên đến 3,5 GW cũng cho hay, dù đã khai trương văn phòng tại Bình Thuận từ tháng 3.2021 và liên tiếp ký kết các hợp đồng khảo sát địa chất với các nhà thầu Việt Nam như liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên môi trường biển… song tâm lý thấp thỏm chờ đợi những quyêt sách rõ ràng của Chính phủ cho giai đoạn tới là điều không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể những rủi ro đến từ việc cắt giảm công suất, ảnh hưởng đến bài toán huy động vốn cho dự án trong bối cảnh năng lượng tái tạo bị cắt giảm nhiều thời gian qua.
Bà Liming Qiao cho biết, GWEC mong muốn Bộ Công thương, Chính phủ cho phép các dự án điện gió ngoài khơi công suất 4 - 5 GW được hỗ trợ thông qua giá FIT. Cùng với đó, Quy hoạch điện VIII đang được Chính phủ xem xét phê duyệt thay vì đặt kế hoạch ở mức 2 - 3 GW đến năm 2030 thì nên nâng lên 10 GW để các nhà đầu tư thấy được chiến lược dài hạn rõ ràng mà vững tâm hơn trong các quyết định của mình đối với thị trường được đánh giá rất tiềm năng này.
Chia sẻ với Thanh Niên mới đây, lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng táo tạo cho biết, dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến ở phương án cơ sở, điện gió ngoài khơi vào khoảng 2 GW đến năm 2030. Còn phương án cao cũng chỉ đạt 3 GW. “Vừa rồi cũng có ý kiến rằng thời gian qua chúng ta đang phát triển nóng năng lượng tái tạo, gây khó khăn cho điều độ hệ thống điện. Vì vậy, trong dự thảo cuối cùng, cơ cấu nguồn này cũng không cao như phương án ban đầu”, vị này giải thích.
Về cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi, theo vị nay, Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế đấu thầu cho cả điện mặt trời trang trại, cơ chế đấu thầu cho điện gió trên bờ.
“Riêng với điện gió ngoài khơi, đúng là chúng ta chưa có thực tiễn, kinh nghiệm nên chúng tôi cũng đang nghiên cứu thêm ý kiến của nhiều bên, nhất là các tư vấn độc lập để làm sao có một cơ chế phù hợp cho điện gió ngoài khơi”, lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, thừa nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.