Theo công bố trên chuyên san Journal of Biophotonics, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Washington (WUSM, ở thành phố St.Louis, bang Missouri, Mỹ) đã phát hiện tia laser phát ra xung ánh sáng siêu ngắn có thể tiêu diệt vi khuẩn đa kháng thuốc và các bào tử vi khuẩn mạnh.
Nghiên cứu này giúp phát triển một công cụ có khả năng tiêu diệt những loại vi khuẩn cứng đầu mà không làm tổn thương các protein và tế bào của cơ thể người.
Minh họa loại tia laser xung siêu ngắn tiêu diệt siêu vi khuẩn |
chụp màn hình trang web WUSM |
Cụ thể, vi rút và vi khuẩn chứa các cấu trúc protein dày đặc, tia laser tiêu diệt chúng bằng cách làm cho các cấu trúc protein này dao động cho đến khi một số liên kết phân tử bị đứt. Các đầu đứt gãy sẽ nhanh chóng liên kết lại nhưng với thứ tự lộn xộn, khiến protein dần mất đi chức năng của mình. Từ đó, vi khuẩn sẽ bị suy yếu và dễ dàng bị tấn công, theo thông tin đăng trên trang web của WUSM.
Tiến sĩ David Tsen, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Trước khi đóng vết thương phẫu thuật, chúng tôi có thể quét vết thương bằng một chùm tia laser để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Trong tương lai, công nghệ này sẽ sớm được sử dụng để khử trùng các sản phẩm sinh học trong ống nghiệm, thậm chí để điều trị nhiễm trùng máu bằng cách sử dụng thiết bị điều trị bằng tia laser để lọc và truyền máu”.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) - gây nhiễm trùng da, phổi và các cơ quan khác và cả vi khuẩn E.coli - gây nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy và nhiễm trùng vết thương. Kết quả cho thấy tia laser đã tiêu diệt hơn 99,9% vi khuẩn và làm giảm số lượng của chúng hơn 1.000 lần.
Ông Tsen nói thêm: “Chúng tôi sàng lọc tất cả các sản phẩm máu trước khi truyền cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu một loại vi rút mới lây truyền qua đường máu xuất hiện, nó có thể xâm nhập vào trước khi chúng ta nhận biết được. Laser xung siêu ngắn có thể làm sạch tất cả các mầm bệnh hiện đã và chưa được xác định trong nguồn cung cấp máu”.
Bình luận (0)