|
Mới đây, Viện Vật lý phóng xạ (IRA) và Trung tâm pháp y CHUV nổi tiếng của Thụy Sĩ công bố báo cáo dài 108 trang xác nhận giả thuyết đồng vị phóng xạ polonium 210 (210Po) “có liên quan” đến việc ông Arafat qua đời cách đây 9 năm. Kết quả phân tích các mẫu thử được lấy từ thi hài khai quật hồi tháng 11.2012 của nhà lãnh đạo cho thấy nhiều mẫu có nồng độ 210Po cao hơn so với thông thường, thậm chí có lúc cao gấp 20 lần, theo tờ Le Point.
Trả lời giới truyền thông, Giáo sư Patrice Mangin, một trong các tác giả báo cáo nhận định: “Rõ ràng là chúng ta không thể loại bỏ 210Po ra khỏi các nguyên nhân gây tử vong. Có thể thấy là ai đó đã can thiệp, khiến nạn nhân hấp thụ chất độc”. Nhóm nghiên cứu đánh giá “chắc đến 83%” rằng ông Arafat bị đầu độc.
Sở dĩ các nhà khoa học Thụy Sĩ tỏ ra thận trọng, không kết luận 100% vì xét nghiệm được thực hiện khá lâu sau khi ông Arafat qua đời và không thể chắc chắn các mẫu thử có bị “phù phép” hay không.
Cuộc vây hãm của Israel
AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Điều tra Palestine về cái chết của ông Arafat là Tawfiq Tirawi tuyên bố sau khi nhận báo cáo của CHUV: “Israel là nghi can hàng đầu và duy nhất”. Bà Suha Arafat, vợ ông Arafat, khẳng định đây là “một tội ác, một vụ ám sát mang tính chính trị”. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhanh chóng kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ việc.
Cho tới nay, Israel luôn bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định Thủ tướng nước này khi đó là Ariel Sharon “muốn bảo toàn tính mạng cho ông Arafat”. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ bởi nhà lãnh đạo Palestine qua đời khi đang bị Israel “giam lỏng”. Theo tờ Le Monde, ngày 3.12.2001, Israel mở đợt tấn công quân sự vào Dải Gaza và cho xe bọc thép bao vây trụ sở của ông Arafat ở thành phố Ramallah. Từ ngày 13.12.2001, lực lượng Israel cắt đứt mọi liên lạc, siết chặt vây hãm tòa nhà và tuyên bố Arafat bị loại khỏi hoạt động chính trị. Nhà lãnh đạo này phải sống trong 2 gian phòng bị cắt điện, nước và ngủ trên sàn nhà.
Trong suốt hơn 2 năm sau đó, Mỹ nhiều lần kêu gọi Palestine thay đổi lãnh đạo nhưng bất thành. Tuy Arafat hầu như bị cô lập hoàn toàn nhưng ông vẫn là một biểu tượng dân tộc nên không ai có thể thay thế. Điều này khiến cho tiến trình hòa bình vốn được đánh giá là có lợi cho Israel rơi vào bế tắc. Người viết tiểu sử của Thủ tướng Sharon là Uri Dan tiết lộ ông từng nói với Tổng thống Mỹ George W.Bush rằng không đảm bảo sẽ giữ lời hứa “không giết Arafat”.
Chất độc triệu đô
Cái chết bất thường của ông Arafat vào ngày 11.11.2004 để lại rất nhiều nghi vấn. Sau khi ông Sharon “cho phép”, nhà lãnh đạo Palestine đã được đưa khẩn cấp đến Bệnh viện quân đội Percy (Paris, Pháp) ngày 29.10.2004 sau hơn 2 tuần trở bệnh đột ngột với các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, giảm tiểu cầu nặng… Báo mạng Slate dẫn hồ sơ bệnh án của ông Arafat cho biết các bác sĩ Pháp đã thử nhiều biện pháp như nội soi, thử máu, siêu âm nhưng không xác định được nguyên nhân gây bệnh… Ngày 3.11, ông Arafat rơi vào trạng thái hôn mê sâu và qua đời không lâu sau đó.
Dù không có kết luận y khoa rõ ràng về nguyên nhân gây tử vong nhưng thể theo nguyện vọng gia đình, giới chức các nước liên quan không thực hiện giám định pháp y ngay lập tức. Vụ việc tạm khép lại cho đến tháng 7.2012 khi Đài Al Jazeera dẫn nghiên cứu của IRA cho biết tìm thấy vết tích của 210Po trên quần áo của ông Arafat. Ngay lập tức, bà Souha Arafat đưa vụ việc ra tòa án Pháp và tháng 11.2012, chính phủ Palestine cho khai quật thi hài nhà lãnh đạo. Chỉ riêng việc xác nhận được vết tích của 210Po đã là một bằng chứng cho thấy ông Arafat không chết tự nhiên. Đây là chất kịch độc, chỉ cần 1 phần triệu gr là có thể gây chết người nhưng việc sản xuất rất tốn kém và phức tạp. Chỉ những nước có công nghệ hạt nhân phát triển cao mới thực hiện được với chi phí lên tới 1 triệu USD/1 phần triệu gr. Theo nhiều chuyên gia, Israel là một trong những quốc gia hiếm hoi hội đủ các điều kiện trên.
Mặt khác, Đài phát thanh Europe 1 dẫn lời chuyên gia Marcel-Francis Kahn cho biết không loại trừ khả năng ông Arafat bị hại bằng nấm độc. Theo ông Kahn, một viện khoa học của Israel chuyên nghiên cứu chiết xuất độc chất từ nấm. Một số loại trong số đó gây những triệu chứng tương tự như ông Arafat đã bị.
Nghi vấn tay trong Ngày 7.11, bà Suha Arafat gây chấn động khi cáo buộc chính người Palestine đầu độc chồng mình. Phát biểu với Al Jazeera, bà Suha nói: “Chất độc chỉ có thể bỏ vào đồ ăn hoặc thức uống của ông ấy nên việc này phải do một người thân cận ra tay”. Chưa hết, khi đó nơi ông Arafat sinh sống bị quân đội Israel bao vây nghiêm ngặt nên chỉ có người gần gũi mới có thể dễ dàng tiếp cận nhà lãnh đạo. Vì thế, có ý kiến cho rằng nếu vụ việc không phải do các đối thủ chính trị của ông Arafat trong hàng ngũ Palestine chủ mưu thì thủ phạm cũng là một tay trong của Israel. Chính quyền Palestine đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của bà Suha và thành viên cấp cao của đảng Fatah là ông Abbas Zaki tuyên bố: “Không nên đưa ra những cáo buộc loại này vì nó là một thảm họa cho dân tộc”. Lâu nay, các chính trị gia Palestine không ưa gì bà Suha, một phụ nữ trung lưu từng học tại Pháp, cải từ Công giáo sang đạo Hồi và kém ông Arafat đến 34 tuổi. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Xác nhận giả thuyết ông Arafat bị đầu độc
>> Phát hiện ông Arafat bị đầu độc qua khám nghiệm tử thi
>> Thêm chứng cứ về nghi án ông Arafat bị đầu độc
>> Khai quật mộ ông Arafat
>> Khai quật hài cốt ông Arafat
>> Nga giúp điều tra cái chết ông Arafat
Bình luận (0)