Trong Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, Tập I (NXB Khoa học, Hà Nội, 1963), Nguyễn Kim Thản viết:
“Khuynh hướng tạo từ hai âm tiết theo kiểu liên hợp cũng vẫn còn phát triển, ví dụ gần đây ta có: lứa đôi, tươi đẹp, chăm sóc, cảm nghĩ, vây lùng, càn quét (thậm chí vây ráp, bao bố…), trường sở, hầm mỏ, khác biệt, sai sót, v.v...”. (tr.116).Trong các thí dụ đã nêu, Nguyễn Kim Thản đã phạm sai lầm với hai tiếng bao bố mà ông mặc nhận là cùng từ loại với vây lùng, càn quét, vây ráp. Nói cho dễ thấy, ông đã sai vì xem cả bao lẫn bố đều là những động từ y như vây, lùng, càn, quét, ráp.
Nào có phải như thế. Trước nhất, xin khẳng định rằng hai tiếng bao bố không hề tồn tại trong phương ngữ Bắc bộ như một từ tổ cố định mà là một danh ngữ chính phụ (không phải liên hợp) của phương ngữ Nam bộ, dùng để chỉ một loại bao tải to dệt bằng sợi chỉ gai thô. Nguyễn Kim Thản đã nhầm bố trong bao bố với bố trong bố ráp. Đây mới thật sự là một động từ như vây, lùng, càn, quét, ráp. Nguyên từ (etymon) của nó là hai tiếng khủng bố, gồm hai hình vị Hán Việt khủng và bố. Dân Nam bộ đã tách bố ra để làm một động từ mà nghĩa gốc là “càn, lùng sục, vây bắt, tàn sát”, như đã giảng trong Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín. Còn bao bố chỉ là một món đồ dùng để đựng lúa, gạo, muối, đường... nhưng ở nhiều nơi thuộc Nam bộ, nó còn có một công dụng có phần kỳ quái là dùng để trùm kín người của kẻ chỉ điểm trong những cuộc bố ráp của Tây hồi kháng chiến chống Pháp. Vì thế cho nên khi nhắc đến việc bố ráp thì người ta thường liên tưởng đến chuyện “bao bố nhìn mặt”. Có lẽ Nguyễn Kim Thản có nghe nói về chuyện này rồi tưởng hai tiếng bao bố là động từ! Không, bao bố trước sau vẫn chỉ là đồ vật. Chỉ có bố ráp mới là một cấu trúc động từ thông dụng.
Ráp là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở từ rafle mà Le Grand Robert giảng là “Arrestation massive opérée à l’improviste par la police dans un quartier suspect, un établissement mal famé”, nghĩa là “cuộc bắt bớ hàng loạt do cảnh sát tiến hành bất ngờ trong một khu vực khả nghi hoặc một cơ sở tai tiếng”. Còn bố, như đã nói, vốn là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [怖], có nghĩa là “sợ hãi”. Khủng bố [恐怖] có nghĩa gốc là “làm cho người ta sợ hãi bằng những hành động bạo lực”. Dân Nam bộ đã nói tắt thành bố để chỉ hành động mà Từ điển từ ngữ Nam bộ giảng như đã nêu ở trên.
Cái mà Nguyễn Kim Thản gọi là “tạo từ hai âm tiết theo kiểu liên hợp” chính là cách ghép đẳng lập gồm hai từ gần/đồng nghĩa và cùng từ loại. Như đã nói, bao bố không phải là một từ tổ cố định trong phương ngữ Bắc bộ gồm hai từ gần nghĩa. Trong phương ngữ này, người ta không nói “bao bố” mà nói càn quét còn bao bố lại là một danh ngữ chính phụ của phương ngữ Nam bộ, trong đó bao là trung tâm còn bố là định ngữ. Sỡ dĩ Nguyễn Kim Thản mặc nhận rằng bao bố là động từ thì chỉ vì ngỡ rằng bố là “vây ráp” chứ thực ra trong bao bố thì nghĩa gốc của bố chỉ là một “loại vải thô dệt bằng sợi gai mà thôi”.
Bình luận (0)