Lắt léo chữ nghĩa: Bí kiếp hay bí kíp?

23/05/2021 06:24 GMT+7

Cả bí kíp lẫn bí kiếp đều đúng chính tả, nhưng bí kíp là âm truyền thống còn bí kiếp là âm đọc theo phiên thiết hiện đại.

Hai tiếng bí kíp có thông dụng hay không? Ở trên mạng thì nhiều, chứng tỏ nó có tần số khá cao nhưng những quyển từ điển quen thuộc và/hoặc thông dụng thì lại không ghi nhận: Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến đức, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí, Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, Từ điển tiếng Việt 2020 của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên... Đây rõ ràng là một sự khiếm khuyết của từ điển chứ ở trên mạng thì ta có thể thấy:
- “Chốn giang hồ Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile đang còn vô số bí kíp ẩn giấu, liệu anh hùng có đủ can đảm, dấn thân té núi vài lần để khám phá hay chưa?” (giới thiệu hệ thống Bí Kíp Võ Lâm - Tin tức | Võ Lâm Truyền Kỳ).
- Nhà có nồi chiên không dầu mà chưa biết những bí kíp này thì tiếc lắm chị em ơi! (afamily.vn.com);
Trong bí kíp thì kíp là một âm rất xưa của chữ [笈] mà Từ hải (bản cũ) ghi đến 3 thiết âm như sau:
- kiệp < cực nghiệp thiết [極業切];
- cập < kỵ tập thiết [忌熠切];
- tráp < trắc áp thiết [測押切].
Về nghĩa thì quyển từ điển này giảng kiệp/cập/tráp [笈] là “phụ thư sương” [負書箱], tức “rương, hòm đựng sách”. Trong ba âm đó thì âm thứ ba là tráp là âm thông dụng nhất khi đi vào tiếng Việt, được Từ điển tiếng Việt 2020 của Vietlex giảng là “đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ”, mà cái thí dụ quen thuộc nhất có lẽ là tráp trầu. Về âm thứ hai, với thanh trầm khứ (dấu nặng) là cập, nó đã chuyển thành thanh phù khứ (dấu sắc) thành cấp khi đi vào tiếng Việt, như đã ghi nhận, chẳng hạn trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, hoặc Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng. Cuối cùng, về âm thứ nhất thì khi đi vào tiếng Việt, kiệp đã chuyển từ thanh trầm khứ (dấu nặng) sang thanh phù khứ (dấu sắc) thành kiếp. Gần đây (quý 1/2021), Nhà xuất bản Trẻ đã in di cảo của học giả Nguyễn Duy Cần, quyển Dịch tượng luận - Tử vi bí kiếp, mà hai chữ bí kiếp cũng được ghi rõ là [秘笈].
Tóm lại, kiếp, cấp, trápkíp đều là âm chính xác của chữ [笈] nhưng ba âm kiếp, cấp, tráp có thể tìm thấy phiên thiết trong thư tịch chứ kíp thì không vì kíp là âm cổ Hán Việt.
Với âm kíp của chữ [笈], ta có bí kíp là một danh ngữ rất xưa, rất xưa của hai chữ [秘笈] mà có người vì không biết nên cho là không tồn tại. Bí kíp, theo nghĩa đen, là hòm chứa những đồ vật bí mật; thường được dùng theo nghĩa bóng để chỉ những phương pháp bí mật hướng dẫn xử lý những vấn đề rắc rối đang gặp phải và đã được gia/lưu truyền từ trước. Cả bí kíp lẫn bí kiếp đều đúng chính tả, nhưng bí kíp là âm truyền thống còn bí kiếp là âm đọc theo phiên thiết hiện đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.