Thí dụ, theo Gia Định thành thông chí, ngày xưa ở phía đông Hậu Giang có xưởng quan đúc tiền Ba Thắc nên dòng sông chảy qua đó được gọi là Tiền Tràng/Trường Giang (錢場江). Ở Hà Nội thì có phố Tràng Tiền rất nổi tiếng. Khoảng năm 1808, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) cho lập một xưởng đúc tiền ở phố này với tên gọi là Bảo Tuyền cục, song dân gian thường gọi là Tràng Tiền. Tương tự, ở Huế, theo Đại Nam nhất thống chí, phần viết về Thừa Thiên phủ (quyển thượng), đoạn sông Hương nơi có xưởng đúc tiền của triều Nguyễn, được người dân địa phương gọi là sông Trường Tiền. Gần xưởng đúc tiền là bến đò Tràng Tiền và cầu sắt Trường Tiền. Ngoài ra, ngày xưa Huế cũng có phố Trường Tiền.
2. Viết cầu Trường Tiền (Huế) có “sáu vài, mười hai nhịp” là sai. Xét về chính tả, cần phải viết chính xác là vày, không viết vài. Vày ở đây là vày cầu, đồng nghĩa với cách viết vì cầu. Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng, 2003) và Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Trung tâm Từ điển học) thì vì cầu là “kết cấu nối liền nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó”. Vì cầu là thuật ngữ cũ, trong quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm (2004), chữ vì được ghi bằng chữ Nôm là 爲 (xà bắc giữa hai cột): vì cầu. Thuật ngữ thay thế hiện nay là vày cầu, được ghi nhận trong những từ điển tiếng Việt trực tuyến trên internet và trong những văn bản hành chính như: Thông tư liên tịch quy tắc giao thông đường sông (số 85-BGTVT-BD/TTLT, ngày 27.8.1959) hay trong chương 3, điều 8 của Nghị định về việc ban hành Điều lệ quy định phạm vi, giới hạn đường sắt và trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt (số 120/CP, ngày 12.8.1963): “Mọi người không được đi lại trên nền đường sắt, không được leo trèo lên trụ, mố, vày cầu, cống, cột điện thoại,…”.
Riêng về nhịp (trong nhịp cầu) thì những từ điển tiếng Việt nêu trên định nghĩa: “Khoảng cách giữa hai trụ hoặc mố cầu liền nhau”. Như vậy, căn cứ vào hình dáng cầu Trường Tiền, ta thấy có 6 nhịp cầu, mỗi nhịp có 2 chiếc vày ở hai bên (tổng cộng 12 vày) chứ không phải “sáu vài, mười hai nhịp”.
Bình luận