Lắt léo chữ nghĩa: Bì phấn với vôi

Lắt léo chữ nghĩa: Bì phấn với vôi

04/07/2021 06:30 GMT+7

Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành biên soạn (NXB Văn hóa , Hà Nội, 1993) có ghi nhận câu Bì phấn với vôi.

Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng bì là “sánh được, sánh có thể bằng được” rồi cho 3 thí dụ: - khỏe ít ai bì kịp; - bì sao được với nó; - Bì sao bì phấn với vôi, Bì anh con một với tôi con đàn (ca dao). Cũng quyển từ điển này giảng phấn là: “1. Hạt nhỏ, thường có màu vàng, do nhị hoa sản sinh ra, chứa mầm mống của tế bào sinh dục đực của cây; 2. Chất hạt nhỏ như bột ở cánh một số loài sâu bọ hay ở lá, quả của một số loài cây. bị ngứa vì phấn bướm. vỏ quả bí đao phủ một lớp phấn trắng; 3. Bột trộn lẫn với hóa chất hoặc chất thơm, dùng để trang điểm hoặc bảo vệ da. đánh phấn. phấn rôm. 4. Chất chế từ đá vôi, thạch cao thành từng thỏi, từng viên, dùng để viết, vẽ lên bảng, lên vải. viên phấn. tay dính đầy bụi phấn”. Còn vôi thì được giảng là: “chất màu trắng, thu được khi nung từ một loại đá, thường dùng làm vật liệu xây dựng. tường quét vôi trắng xóa. đào hố tôi vôi”.
Câu ca dao trên đây ứng dụng câu thành ngữ bì phấn với vôi, còn câu thành ngữ này lại khiến chúng ta liên tưởng đến mấy khái niệm mà Từ điển tiếng Việt 2020 đã đưa ra (hạt nhỏ do nhị hoa sinh ra, hạt nhỏ ở cánh hoa hoặc lá cây, chất chế từ đá vôi hoặc thạch cao, bột trộn lẫn với hóa chất hoặc chất thơm...). Vậy câu thành ngữ này muốn nói tới thứ phấn nào? Dĩ nhiên là loại thứ ba tức “bột trộn lẫn với hóa chất hoặc chất thơm, dùng để trang điểm hoặc bảo vệ da”. Từ xưa, phụ nữ cũng biết làm cho da mặt đẹp bằng phấn nhân tạo. Đây là hiện tượng phổ biến từ Tây sang Đông: Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc... Thậm chí, cho đến cách đây chừng bảy tám mươi năm, ta còn thấy các thiếu nữ tuổi teen Việt Nam nhà nghèo (cũng có thể không nghèo) lấy bao nhang (thường là màu đỏ hồng) thay phấn xoa nhẹ vào hai bên má cho ửng hồng lên để trang điểm, vui chơi. Sở dĩ phải nói như trên là để khẳng định rằng câu thành ngữ đang xét muốn nhắm đến loại phấn thứ ba, tức phấn trang điểm, mà trở xuống chúng tôi sẽ gọi đơn giản là phấn.
Câu thành ngữ đang xét nêu lên việc “bì” phấn với vôi để phê phán một sự so sánh khập khiễng. Phấn thì để trang điểm, để thoa mặt, để dưỡng da còn vôi thì chỉ dùng để trộn hồ, để làm phân hoặc để ăn trầu. Tuy cả hai thứ đều là những chất liệu bổ ích và cần thiết cho đời sống của con người nhưng xưa nay khái niệm “phấn” luôn gắn liền với sinh hoạt sang trọng, thường là của phụ nữ, còn khái niệm “vôi” lại gắn liền việc xây dựng ngổn ngang. Huống chi, một hộp phấn hàng hiệu nhỏ bằng bàn tay có thể có giá tới hàng triệu đồng, trong khi một bao vôi bột sát khuẩn hiệu giá có vài chục ngàn đồng. Trước một sự chênh lệch khổng lồ về giá cả - nghĩa là giá trị - như thế thì ai có đủ can đảm mà “bì phấn với vôi”?
Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học giảng câu thành ngữ đang xét là “So sánh khập khiễng, không có thể so sánh lẫn lộn giữa cái tốt với cái xấu, giữa người tốt với người xấu”. Giảng như thế thì không sát vì thực ra đây không phải là chuyện so sánh cái tốt với cái xấu mà là so sánh cái tốt với cái không tốt bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.