Trước hết là từ chó. Trong hệ thống chữ Nôm, chó (㹥) là từ kết hợp giữa 2 chữ Hán:犭(khuyển) và 主 (chủ). Chó là động vật có vú, một số nhà khoa học cho rằng chó được con người thuần hóa từ chó sói xám cách đây vài chục ngàn năm, phát triển dần thành 450 giống chó (đã được công nhận) cho đến ngày nay. Chó nuôi có tên khoa học là Canis lupus familiaris hoặc Canis familiaris.
Cẩu có nghĩa là chó, xuất phát từ chữ 狗, cấu tạo từ 2 chữ: 犭(khuyển) biểu ý + 句 (cấu) biểu âm. Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, "cẩu (狗) có nghĩa là gõ. Con chó sủa theo nhịp điệu, giống như gõ vào đồ vật. Có người cho rằng sở dĩ gọi là cẩu vì tính bướng bỉnh của con vật này". Trong văn chương, cẩu còn có nghĩa là chó nhỏ hoặc từ chỉ chung gấu con, cọp con. Có một số từ ghép liên quan với cẩu, chẳng hạn như: cẩu đạo (ngụy trang thành chó để đi ăn trộm, về sau phiếm chỉ kẻ trộm cắp); cẩu đồ (người làm nghề giết chó làm thịt, sau dùng để chỉ người làm nghề ti tiện); cẩu sắt (con bọ chét sống trên mình chó); cẩu trệ (chó và lợn, dùng để chỉ người có hành vi xấu xa, bỉ ổi); sô cẩu (ngày xưa lấy rơm và cỏ tết thành hình con chó để cúng tế, tế xong thì đem vứt đi, về sau từ này dùng để chỉ sự vật tầm thường, vô dụng); tẩu cẩu (chó săn, kẻ nịnh hót); vân cẩu (mây và chó, chỉ sự thay đổi mau chóng ở đời)…
Khuyển (犬) có nguồn gốc từ âm *d-kʷəj-n (con chó) trong Ngữ hệ Hán Tạng. Về sau âm Hán Tạng này được thay thế bằng từ cẩu (狗) trong các phương ngữ ở Trung Quốc, ngoại trừ tiếng Mân Đông, ví dụ như âm kēng trong phương ngữ Phúc Châu. Chữ khuyển (犬) chủ yếu được tìm thấy trong các từ ghép như khuyển Nho (犬儒): kẻ theo Nho học mà bụng dạ xấu xa; khuyển tử (犬子): đứa con kém cỏi; đồn khuyển (豚犬): chó lợn, tiếng khiêm nhường chỉ con cái của mình, ngoài ra còn dùng để chỉ kẻ ngu đần…
Trong chữ Nôm, cầy (猉) là chữ kết hợp từ 2 chữ Hán:犭(khuyển) + 其 (kỳ). Cầy có nghĩa là "loài chồn giống như chó" (Từ điển chữ Nôm dẫn giải), chủ yếu sống ở trên cây; một số loài giống như mèo hoặc rái cá. Có 33 loài cầy, nằm trong 14 chi, thuộc họ Cầy (Viverridae), ví dụ như cầy rái cá (Cynogale bennettii); cầy mangut vằn (Mungos mungo); cầy cọ châu Phi (Nandinia binotata); cầy hương (Viverricula indica)… Xin lưu ý, có một số hàng quán ở miền Bắc ghi là "bán thịt cầy" song lại bán thịt chó, từ đó nhiều người lầm tưởng cầy là chó, để rồi về sau, ngay cả từ điển cũng "mặc định" thịt cầy là thịt chó (Giúp đọc Nôm và Hán Việt; Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên).
Nhìn chung, cẩu và khuyển là từ Hán Việt; cầy và chó là từ "thuần Việt", cún (khẩu ngữ) là từ biến âm của cẩu (狗), có nghĩa là chó con, thường sử dụng trong phương ngữ Bắc. Từ này còn dùng để gọi trẻ nhỏ một cách âu yếm: cún con.
Bình luận (0)