Ngay cả “chuyên gia” cũng thiếu sót khi giảng trên Wikipedia rằng: “Châm cứu là thủ thuật chèn và thao tác kim hình chỉ vào một điểm cụ thể trên cơ thể để giảm đau hoặc cho các mục đích điều trị”. Thực ra, đó là hai thứ: “Châm kim [châm] hay đốt nóng [cứu] ở các huyệt trên da để chữa bệnh theo đông y [nói tổng quát]”, như đã giảng tại Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên. Ở đây, bên cạnh chữ châm [針] là kim, cứu có nghĩa là đốt huyệt, chữ Hán là [灸], trên là chữ cứu [久] ghi âm, dưới là chữ hỏa [火] biểu nghĩa. Với chữ cứu này, ta có hai tiếng ngải cứu mà nếu hiểu theo tiếng Việt thì đó là một loại lá dùng để đốt huyệt, còn nếu hiểu theo tiếng Hán thì lại là đốt huyệt bằng lá ngải, chữ Hán là [艾灸].
Chữ cứu thứ hai là [救]. Từ Hán Việt này có nghĩa là “giúp cho thoát khỏi tình cảnh trắc trở hoặc hiểm nghèo.” Đây là chữ có tần số cao nhất trong ba chữ cứu mà ta đang nói đến. Nó có mặt trong một loạt cấu trúc quen thuộc như: cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, cứu tế, cứu thương, cứu trợ, cứu viện, cấp cứu, giải cứu… đặc biệt là trong cứu vãn, một cấu trúc đẳng lập mà hai thành tố có nghĩa rất gần nhau về mặt từ nguyên. Nói như thế vì có ý kiến cho rằng nghĩa đầu tiên của chữ cứu là kéo người sắp chết đuối lên khỏi mặt nước (cũng là cứu) còn vãn [挽] cũng là… kéo. Cứu vãn bây giờ hầu như đã là cấu trúc đặc dụng trong việc tường thuật và/hoặc bình luận về tình hình thời sự, chính trị. Với tần số cao, chữ/từ cứu [救] này đang chiếm ưu thế so với hai chữ cứu kia. Trong ngôn ngữ, có hiện tượng giữa một số từ đồng âm thì có khi nghĩa của từ có tần số cao nhất lại chi phối nghĩa của từ ít được dùng đến, theo kiểu của từ nguyên dân gian. Đây chính là lý do làm cho một số người đã bỏ rơi nghĩa của từ cứu trong châm cứu. Đặc biệt là với cứu cánh, rất nhiều người cho rằng đây là “cứu thoát”! Hoàn toàn sai.
Trong cứu cánh, ta có một chữ cứu khác mà mặt chữ là [究] và cả hai chữ là [究竟]. Nghĩa hữu quan của chữ cứu [究] ở đây là cuối cùng, tận cùng. Cánh [竟] cũng là một từ đồng nghĩa với cứu, như có thể thấy trong hữu chí cánh thành, nghĩa là nếu có chí thì cuối cùng cũng thành công, ta dịch là có chí thì nên. Vậy cái nghĩa chính xác của cứu cánh là “cuối cùng”. Mathews’ Chinese - English Dictionary dịch là “after all, in the end, finally” còn Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên thì giảng là “1.- kết quả / ngọn nguồn; 2.- rốt cuộc; 3.- cuối cùng / xét cho cùng.” Tuyệt đối không có dây mơ rễ má gì với “cứu giúp, cứu trợ...”. Ta linh động hiểu cứu cánh là “mục đích [cuối cùng]” thì hợp lý chứ nếu đưa cả những “cứu giúp, cứu thoát...” vào để hiểu/giảng thì chỉ là thỏa hiệp với từ nguyên dân gian mà thôi.
Bình luận (0)