Xin nói rõ: Sự hiện diện của từ Việt gốc Hán không đem đến vinh dự gì cho tiếng Việt nhưng chắc chắn cũng không làm cho nó giảm giá trị tự thân mảy may nào. Tiếng Gaulois, ngôn ngữ của tổ tiên người Pháp, đã tuyệt tích giang hồ từ trên 2.000 năm nay và bị thay thế bằng tiếng La-tinh bình dân (latin populaire) do người La Mã mang đến rồi địa phương hóa thành tiếng Pháp ngày nay, nhưng thứ tiếng Pháp này đã sản sinh cả một “rừng bút” (hàn lâm) tiếng tăm lừng lẫy. Vấn đề cốt tử là ở người sử dụng ngôn ngữ chứ không phải ở chỗ nó có nhiều từ “thuần gốc” hay không. “Từ thuần Việt”, với chúng tôi, chẳng qua chỉ là những từ ta không/chưa biết được nguồn gốc mà thôi.
Đi là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [移], mà âm Hán Việt hiện hành là di, có nghĩa là “dời chỗ”. Đây là một chữ hình thanh mà nghĩa phù (bộ thủ) là hòa [禾], còn thanh phù là đa [多]. Khi mà thanh phù của chữ di [移] là một chữ/từ có phụ âm đầu Đ [d] thì không phải chuyện lạ nếu nó có một điệp thức là đi, cũng có phụ âm đầu Đ.
Mây không có liên quan gì về từ nguyên với chữ vân, mà bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [霾], có âm Hán Việt là mai, được Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng là “không khí trung nhân huyền phù trước đại lượng đích yên, trần đẳng vi lạp nhi hình thành đích hỗn dung hiện tượng” [空氣中因悬浖着大量的烟尘等微粒而形成的混浊現象] (Hiện tượng rất nhiều hạt khói, bụi... cực nhỏ lơ lửng trong không khí hòa quyện với nhau mà làm thành). Đơn giản đó là bụi mù và sự “nhích nghĩa” từ bụi mù sang mây không phải là chuyện cấm kỵ trong từ nguyên học. Còn sự “nhích âm” từ mai sang mây (AI > ÂY) là chuyện có thể thấy thêm trong các trường hợp sau đây: – cai [荄], rễ cỏ > cây trong cây cối; – ngai [呆] trong si ngai > ngây trong ngây thơ; – quái [獪], gian trá > quấy trong phải quấy; – sái [曬], phơi nắng > sấy trong sấy khô (sưởi cũng là một điệp thức)...
Về bắt nguồn ở từ vi [圍], mà trong Đồng nguyên tự điển bổ (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1999, tr.176), Lưu Quân Kiệt đã chứng minh là đồng nguyên tự của hồi [回], có nghĩa là “về”. Từ I > Ê, ta còn có: – bì [皮], da > bề trong bề ngoài; – y [咿] trong y a [咿啞], tiếng trẻ con học nói > ê trong ê a; – y [㾨], yếu ớt > ê trong ủ ê, ê chề...
Gió bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [𩘓], mà âm Hán Việt là du, có nghĩa là “gió” (phong dã [風也]). Từ U > O, ta còn có: – chu [賙], đem cho > cho trong cho không; – chú [㹥], chó vàng đầu đen > chó trong chó mèo: – trú/trụ [住], ở > trọ trong trọ học; – chữ ngũ [午] vẫn còn đọc thành ngọ; – chữ nhu [儒] thường đọc thành nho; nói chung, nhiều chữ theo phiên thiết lẽ ra phải đọc với nguyên âm U nhưng vẫn đọc với O. Xét theo từ nguyên và ngữ âm lịch sử, chữ gió lẽ ra phải viết với D [z] thành dó mới đúng. Trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng, trừ một chữ “phong” dị thể, tất cả 25 chữ Nôm còn lại dùng để ghi âm “gió” đều hài thanh bằng du [俞] hoặc dũ [愈], là những chữ/từ có phụ âm đầu D [z].
Bình luận