Lắt léo chữ nghĩa: Từ nguyên của một số từ có phụ âm đầu Đ

06/09/2020 07:06 GMT+7

- Đào trong đào bới: Đào là một từ Hán Việt, chữ Hán là [淘], có nghĩa là “đào”, như đào tỉnh” [淘井] là... “đào giếng”.

- Đặc trong dốt đặc: Vì tưởng rằng ở đây đặc trái nghĩa với lỏng nên dân gian mới cho ra lò câu thành ngữ dốt đặc cán mai. Nhưng không phải thế. Đặc là một hình vị Hán Việt, chữ Hán là [𤙰], mà Quảng vận giảng là “độn dã” [鈍也], tức là “ngu đần vậy”. Tiếng Việt có một biện pháp độc đáo để diễn đạt mức độ của tính từ mà tiếng Pháp gọi là superlatif absolu, Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ gọi là tuyệt đối tối cao đẳng cấp. Với biện pháp này, người ta thêm vào sau tính từ một từ khác để tăng đến mức cao nhất cái tính chất mà nó diễn đạt, ví dụ: đen kịt, đỏ lòm, mỏng dính, xẹp lép... Vì tự nó đã ở mức cao nhất nên ta không thể thêm rất, lắm, quá, mà nói *rất đen kịt, *đỏ lòm lắm, *mỏng dính quá, *rất xẹp lép... Cũng thế, ta không thể nói *rất dốt đặc.
Với một nghĩa khác, chữ đặc [𤙰] có nghĩa gốc là “[trâu, bò] đực”, rồi nghĩa rộng để chỉ “[con] đực [của động vật bốn chân]”. Với nghĩa này đực là điệp thức tiên phát của đặc (là hậu khởi).
- Đầy trong đầy tớ: Đầy trong đầy tớ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [儓] mà âm Hán Việt là đài, có nghĩa là “đầy tớ”. Về tương quan AI ↔ ÂY, ta còn có: - bài [排], hàng, dãy ↔ bầy trong bầy đàn; - cai [荄], rễ cây ↔ cây (chuyển nghĩa theo hoán dụ) trong cây cối; - mai [霾], bụi bay mù mịt ↔ mây trong gió mây; - sái [曬,晒], phơi nắng ↔ sấy trong sấy khô...
- Đồ trong đồ ngu: Đây là một từ dùng với nghĩa xấu và là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [徒], có nghĩa là “bọn, đám”.
- Đông trong đông lạnh: Đông là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [凍]. Theo Quảng vận thì chữ này có hai âm: đông và đống mà âm chính là đông với thiết âm “đức hồng thiết” [德紅切]. Đ[ức]+[h]ồng = đông. Đông là “đóng thành băng”.
- Đồng trong cánh đồng: Đồng là một từ Hán Việt, chữ Hán là [童], mà Dictionnaire classique de la langue chinoise (DCLC) của F.S.Couvreur dịch là “terrain dépourvu de végétation”, nghĩa là “khoảng đất [trống] không có cây cối”. Đây hiển nhiên chính là chữ đồng trong cánh đồng, đồng không mông quạnh; rồi với nghĩa rộng là đồng cỏ, đồng lúa...
- Đống trong gò đống: Truyện Kiều có câu “Ngổn ngang gò đống kéo lên”. Đốnglà một từ Hán Việt, chữ Hán
là [墥]. DCLC dịch là “monticule”, nghĩa là “gò, đồi nhỏ”. Hà Nội có Gò Đống Đa, mà Đống thì cũng là “gò”. Trong Nam thì dùng gò cho địa danh như Gò Công, Gò Dưa...
- Đốt trong đốt tre: Đốt là một từ Hán Việt, chữ Hán là
[柮]. DCLC dịch là “tronçon d’arbre, souche, bûche”, nghĩa là “khúc cây, gốc, khúc củi”. Đây chính là cái nghĩa liên quan đến đốt trong đốt tre, đốt mía.
- Đột trong đột lỗ: Trong đột lỗ, đột là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [突], có nghĩa là “đâm thủng”.
- Đuột trong suôn đuột: Đuột là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [突] mà âm Hán Việt là đột, có nghĩa là “lồi lên”.
Suôn là “thẳng và cao”; suôn đuột là thẳng băng, không có cong queo, gấp khúc gì cả.
Về tương quan ÔT ↔ UÔT thì chúng tôi đã từng chứng minh, đặc biệt là tốt [卒], hết, xong, kết thúc ↔ tuốt trong biết tuốt.
- Đường trong đường sá: Đường là một từ Hán Việt, chữ Hán là [唐], có nghĩa là “lối đi trong lăng miếu”. Trong tiếng Việt thì đường có nghĩa rộng hơn và đây chính là từ đường trong đường sá. Nhân tiện, xin nói về từ sá. Đây là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [岔], có nghĩa là “đường nhánh, ngã rẽ”; rồi trong tiếng Việt nó có thêm nghĩa rộng là “đường cày” (sá cày là “đường cày”).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.