Lắt léo chữ nghĩa: Nghĩa của một số 'yếu tố láy' (*)

16/08/2020 06:19 GMT+7

71. Vịt trong vờ vịt : Vịt là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [譎] mà âm Hán Việt là duật, có nghĩa là “gian trá, lừa dối”.

Về tương quan D ↔V, ta còn có: danh, thường đọc doanh [盈], đầy tràn ↔ vạnh trong tròn vành vạnh; dệ, thường đọc duệ [裔], bờ, mép ↔ vệ trong vệ đường; dũng [踊], nhảy lên cao ↔ vùng trong vẫy vùng... Về ÂT ↔ IT, xin xem mục 50 (Quít trong cuống quít).
72. Xa trong xấu xa: Xabiến thể thanh điệu của xả [䰩], có nghĩa là “xấu xí”.
73. Xả trong xong xả: Xả là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [舍], có nghĩa là “thôi, ngừng lại”.
74. Xao và xuyến trong xao xuyến: Xao được Từ điển tiếng Việt 2008 ghi nhận và giảng là “chao động, lay động”. Xao là một từ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [慅], mà âm Hán Việt là tao, có nghĩa là “lo, lo buồn”. Còn xuyến là biến thể thanh điệu của xuyễn [舛], có nghĩa là “lẫn lộn”.
75. Xăm trong xa xăm: Xăm là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [深], mà âm Hán Việt là thâm, có nghĩa là “sâu”.
76. Xênh và xang trong xênh xang: Xênh xang được Từ điển từ láy tiếng Việt giảng là “(cách ăn mặc) bảnh bao, chải chuốt, vẻ chưng diện”. Xênh là điệp thức của xinh trong xinh đẹp còn xang là một cách đọc khác của chữ xương [昌] theo tương quan ANG ↔ ƯƠNG. Xương là “tốt đẹp, rực rỡ”.
77. Xí trong xấu xí: là biến thể thanh điệu của chữ xi [蚩], có nghĩa là “xấu”.
78. Xí và xóa trong xí xóa: Từ điển từ láy tiếng Việt giảng xí xóa là “coi như xóa đi, như không hề có hoặc xảy ra điều gì”. Xí là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [施], mà âm Hán Việt là thí, có nghĩa là “cho, đem cho”; rồi trong tiếng Việt, nó có thêm nghĩa rộng là “coi như bỏ đi, không cần đến”, như trong thí chốt, thí mạng. Đây chính là xí trong xí xóa, còn tồn tại trong khẩu ngữ của phương ngữ Nam bộ, như có thể thấy với ba mục sau đây trong Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín:
- Xí bùm bum […] lời rủa rất nặng nề, để từ bỏ một cái gì đó người khác đang chiếm giữ, mà người nói không đòi, lấy lại được.
- Xí cô hồn […] lời rủa khá nặng nề, để bỏ, thí cái gì đó của mình và coi như cái phần mất đó cho người chết, cô hồn, không cần phải tiếc nữa.
- Xí cùi […] hỏng, thất bại, chẳng được gì hết, mất sạch hết.
Trong ba mục trên của Từ điển từ ngữ Nam bộ thì xí cùng gốc và đồng nghĩa với thí trong thí chốt, thí mạng; khác nhau chỉ là ở màu sắc tu từ mà thôi.
Về tương quan TH ↔ X, ta còn có: thảm [黲], xanh đen nhạt ↔ xám trong xám xịt; thanh [靑] ↔ xanh; thiêu, thường đọc thành khiêu [挑], kéo ra, nâng lên ↔ xeo trong đòn xeo (Với âm khiêu thì ta có khêu trong khêu gợi); thiết [沏], nước chảy nhanh ↔ xiết trong chảy xiết; thức [拭], quét, phủi, lau chùi ↔ xức trong xức dầu.
Xóa là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [捨], mà âm Hán Việt là thả, có nghĩa là “buông, bỏ”. Chữ này vốn thuộc thanh mẫu thư [書] (tức có phụ âm đầu TH) và đây chính là chữ thả trong buông thả, thả bộ, thả cửa, thả ga, thả giàn, thả lỏng, thả thính... Trong những thí dụ này, thả là một từ Hán Việt “chính chủ”. Nó có một biến thể “Hán Việt Việt hóa” thông dụng là xả (Thiều Chửu ghi sả thì chỉ là chuyện chính tả) mà các quyển từ điển Hán Việt xem là Hán Việt chính tông. Đây không những là chữ xả trong xả kỷ, xả thân vì nghĩa, từ bi hỷ xả, mà còn là xả trong xả đông, xả hơi, xả láng, xả lũ, xả rác, xả stress, xả xui… nữa. Theo Đoàn Ngọc Tài trong Thuyết văn giải tự chú thì chữ thả > xả [捨] này có một chữ vốn đồng âm đồng nghĩa là [赦], nay đọc là xá và hầu như chỉ dùng theo nghĩa “tha tội”, như trong xá tội [赦罪], ân xá [恩赦], đại xá [大赦]... Do mối quan hệ đã nói nên trong tâm thức của người Việt, xá [赦] cũng là xả [捨], với nghĩa “bỏ” rồi xá được làm tròn môi thành xóa, như trong bôi xóa, xóa bỏ, xóa nhòa, xóa nợ, xóa sổ, xóa tên.
Vậy xí xóa là một cấu trúc đẳng lập. 
(*) Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 9.8.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.