Lắt léo chữ nghĩa: Dùng từ “khai màn” có chính xác không ?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
03/07/2022 07:30 GMT+7

Thời gian gần đây cộng đồng mạng Facebook phản đối cách dùng từ “khai màn” trên những panô (panneau) của Festival Huế 2022 . Họ cho rằng viết “khai màn” là sai, chính xác phải là “khai mạc”.

Chúng tôi thử gõ từ khóa “khai màn” vào ô tìm kiếm của Google, thật bất ngờ khi thấy từ này xuất hiện dày đặc trên tiêu đề bài viết của nhiều báo đài. Phải chăng các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng từ khai màn là dựa vào cách viết từ Festival Huế?

Nếu Khai Màn là tên một chương trình biểu diễn thì chấp nhận được, ví dụ: Chương trình nghệ thuật Khai Màn diễn ra vào lúc 20 giờ. Song nếu viết “Khai màn Tuần lễ Festival Huế 2022” thì lại gây khó hiểu, vì khai màn không xuất hiện trong các từ điển tiếng Việt.

Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970) chỉ ghi nhận khai mạc không có khai màn. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB KHXH, 1988) cũng vậy, chỉ giải thích khai mạc là: 1. Mở màn, bắt đầu buổi biểu diễn. 2. Mở đầu (hội nghị, cuộc triển lãm v.v., không có từ khai màn.

Trong Hán ngữ, từ khai mạc (開冪/开幂 hay 開幕) cũng có nghĩa tương tự như các từ điển tiếng Việt. Khang Hi tự điển ghi rõ: theo Đường vận, chữ mạc (幕) có phiên thiết là mộ các thiết (慕各切); còn theo Tập vận, Vận hội và Chính vận thì mạc (幕) có phiên thiết là mạt các thiết (末各切). Trong Thuyết văn giải tự, chữ mạc (幕) cũng được phiên là mộ các thiết (慕各切).

Khi áp dụng quy tắc kết hợp thanh mẫu (âm đầu) + vận mẫu (phần vần) và thanh điệu tiếng Hán-Việt ta sẽ có: m(ộ) + (c)ác = mạc; m(ạt) + (c)ác = mạc. Như vậy, chữ 幕 phải đọc là mạc, không đọc là màn.

Vậy, chữ màn trong tiếng Việt xuất phát từ đâu? Trong Hán ngữ không có chữ nào phiên âm Hán Việt là màn, tuy nhiên chữ này có thể là âm Hán Nôm hóa (汉字喃化音) (?), tức âm đọc chữ Hán mà người Việt sử dụng từ thời xa xưa, đã được Việt hóa đến mức người Việt không còn coi đó là từ gốc Hán. Màn đã trở thành từ bản địa của người Việt, được ghi bằng chữ Nôm là 幔. Người Việt đã sử dụng phép giả tá, mượn nguyên xi hình chữ và nghĩa chữ của mạn (幔) trong Hán ngữ để tạo ra màn (幔) trong tiếng Việt. Chữ này có nghĩa là cái màn, thường được sử dụng trong mở màn (sân khấu) và trong những nghĩa phái sinh khác như màn ảnh, màn kịch, màn mưa, màn trời chiếu đất...

Phải chăng chữ khai màn có nguồn gốc từ Festival Huế 2022? Xin thưa, không phải vậy. Nếu tra cứu Google ta sẽ dễ dàng tìm thấy từ khai màn xuất hiện trong nhiều bài báo từ những năm trước. Ngược dòng thời gian, cách đây khoảng nửa thế kỷ, từ khai màn đã từng xuất hiện trong sách, ví dụ: “từ đó, khai màn một cuộc phiêu lưu” (Điển ngữ thần học thánh kinh (tập 1) của Xavier Léon-Dufour - NXB Phân khoa thần học (1973); “tiệc rượu đã khai màn” (Ma nữ đa tình của Yong Jin, Yung Chin - NXB Dainam Company (1983)…

Nhìn chung, tuy chữ khai màn xuất hiện từ lâu, song có thể khẳng định rằng việc sử dụng từ này là lệch chuẩn, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Có những lý do cần tránh dùng từ khai màn: vì cấu trúc khai (Hán Việt) + màn (Việt) khập khiễng về ngữ pháp và nghĩa (nếu màn là từ “thuần Việt”, không phải là từ Hán Nôm hóa); chữ khai màn không có trong từ điển tiếng Việt, khiến người đọc khó hiểu hoặc gây lúng túng khi dịch sang những ngôn ngữ khác.

Nếu dịch từ lễ khai mạc sang tiếng Anh, người ta có thể sử dụng những cụm từ tương ứng là opening ceremony, grand opening hay ribbon-cutting ceremony; còn tiếng Trung Quốc là 開幕典禮 (khai mạc điển lễ), 開幕儀式 (khai mạc nghi thức) hoặc 開幕禮 (khai mạc lễ); tiếng Pháp là cérémonie d’ouverture… Thử hỏi, nếu dịch lễ khai màn sang ngôn ngữ khác thì dịch làm sao? Phải chăng cũng giống như các dịch từ lễ khai mạc?

Tóm lại, từ khai mạc tuy xưa song chuẩn mực và trang trọng, hà cớ gì phải thay bằng một từ lạ lẫm, bị nhiều người phản đối?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.