Lắt léo chữ nghĩa: 'Giá' là từ Hán Việt

01/03/2020 06:41 GMT+7

Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng giá là “mầm đậu xanh, đậu tương chưa mọc lá, dùng làm rau ăn”.

Chúng tôi từng giải thích rằng đây là một từ Hán Việt, mà chữ Hán là [稼], có nghĩa là lúa má, ngũ cốc, bông lúa. Ở đây, “giá” được hiểu theo nghĩa rộng, là mầm nảy ra từ hạt đỗ xanh.
Có người đã phản bác ý kiến của chúng tôi với những lý lẽ chính như sau:
1. “Chữ 芽 (dùng để chỉ giá - An Chi), người Hạ Môn (廈門) tỉnh Phước Kiến có hai cách đọc gần với âm gế/gá, nên không loại trừ trường hợp người Tiều Châu xài luôn tiếng của người Phước Kiến mà thành. Nên từ ra giá cũng không thể nói là không được”.
2. “Tự điển ghi 芽 có nghĩa là mầm, chồi. 荳芽 (đậu nha) mầm đậu. Thực tế thì cọng giá đúng là mầm, chồi của hạt đậu. Còn chữ 稼 (Hán Việt: giá) thì trong tự điển Thiều Chửu ghi là: (động từ): cấy, canh tác; (danh từ): lúa má. Phiếm chỉ sản vật nhà nông. Ngoài ra tìm thử trong sách lẫn internet thì không thấy chữ 稼 có liên quan gì tới 荳芽, 芽菜, cọng giá của mình ăn gì hết. Cho nên cái nghĩa rộng của chữ 稼 để chỉ “mầm nảy ra từ hạt đỗ xanh” chỉ là suy nghĩ riêng của An Chi, không có căn cứ”.
Thực ra thì ngay từ điểm 1, tác giả kia cũng đã lập luận kiểu lập lờ, lấp lửng. Tiếng Tiều là tiếng Tiều mà tiếng Phước Kiến là tiếng Phước Kiến chứ không thể nói “người Tiều Châu xài luôn tiếng của người Phước Kiến mà thành” được. Để chỉ giá (= mầm đậu) người Tiều chỉ nói tào ghé [荳芽] mà thôi. Đồng thời, nếu tiếng Việt có mượn một ít từ của tiếng Tiều là mượn của người Tiều ở miền Tây Nam bộ chứ không có dây mơ rễ má gì với tiếng Tiều bên Quảng Đông (càng không phải là tiếng Phước Kiến ở Hạ Môn). Vậy giá của tiếng Việt không có dính líu gì với “gế/gá” của người Hạ Môn cả. Huống chi, nếu - xin nhấn mạnh chữ “nếu” - thực sự người Việt có mượn âm “gá” thì họ cứ đọc thẳng thành “gá” chứ việc gì phải nhiễu sự mà đọc thành giá!
Về điểm thứ 2 thì người quen làm từ nguyên sẽ không hiểu như thế. Nghĩa là không phải bao giờ giữa nguyên từ (etymon) và từ phái sinh (derivative) cũng phải có một đẳng thức ngữ nghĩa tuyệt đối. Điều này có thể thấy rất rõ trong lĩnh vực từ nguyên học về các từ Việt gốc Hán: - trong tiếng Hán thì quần [裠] là váy chứ không phải quần; - khố [褲] là quần chứ không phải khố; - bàn [盤] là mâm chứ không phải là bàn... Vì vậy cho nên nếu cứ khư khư bắt từ giá trong tiếng Hán phải có nghĩa là “giá” (tức đậu nha [荳芽]) như trong tiếng Việt thì người làm từ nguyên chẳng thà ngồi chơi xơi nước. Xin nêu thêm một thí dụ trong các thứ tiếng Tây: cùng một gốc đấy nhưng trong tiếng Đức thì tier là động vật nói chung, nhưng trong tiếng Anh thì deer chỉ có nghĩa là hươu, nai mà thôi.
Cuối cùng xin nhấn mạnh rằng từ giá đã có mặt trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A.de Rhodes in tại Roma năm 1651, là niên đại mà dân Tiều Châu còn chưa đến định cư tại Đàng Trong thành một cộng đồng nổi danh qua câu ca dao:
Bạc Liêu là xứ quê mùa
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu”
(Câu trên có một vài dị bản).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.