Rồi tác giả kết luận: “Không ai dùng từ “đăng cơ” để nói về vua lên ngôi, trừ mấy tờ báo thời nay. “Cơ” là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó... Không hề có nghĩa nào liên quan tới nhà vua, ngôi vua”. Nguyễn Thông khẳng định rằng: “Cơ là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó...”. Thực ra, ở đây, ta có hai chữ/từ cơ khác nhau. Chữ cơ [基] bộ thổ [土] thì mới có nghĩa là “nền nhà”, là “cái gốc” còn “then cài” và “bộ phận trọng yếu” thì thuộc về chữ cơ [機, giản thể là 机] bộ mộc [木]. Vì vậy nên không thể gộp chung các nghĩa đó mà coi là của một chữ/từ được.
Còn cái sai chính của Nguyễn Thông là tác giả này đã khẳng định rằng: “Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ đăng cơ”. Chẳng qua là tác giả lật giở chưa đủ các loại chứ Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh (NXB Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.1393) ghi nhận rõ ràng: - [登基] đăng cơ [dēngji]: Lên ngôi (vua) Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2008, tr.329) thì ghi: - [登基] dēng//ji (Vua) Lên ngôi.
Còn từ điển đơn ngữ tiếng Hán thì khỏi nói. Tiếng Hán có từ tổ đăng cơ đại điển [登基大典], để chỉ nghi thức lên ngôi (của tân hoàng đế). Trong tiếng Hán, ngoài hai tiếng đăng cơ, “lên ngôi” còn gọi là tức vị [即位], tiễn tộ [踐祚], đăng cực [登極] nhưng đăng quang thì không thấy. Dĩ nhiên là hai tiếng đăng cơ [登基] vẫn còn thông dụng trong tiếng Hán hiện đại, như có thể thấy trong những lời tường thuật trên báo chí về lễ đăng quang của tân thiên hoàng ở Nhật Bản hoặc tân quốc vương ở Thái Lan mới đây, mà dẫn chứng thì đầy rẫy trên mạng nên chúng tôi không cần dẫn ra. Chỉ xin nêu một bằng chứng điển hình là tên quyển tiểu thuyết ngôn tình của Tiêu Tương Bích Ảnh [潇湘碧影] trên trang Tấn Giang văn học thành [晋江文学城] là Lão công tử liễu ngã đăng cơ [老公死了我登基] (ảnh), có nghĩa: “Ông chồng chết rồi, ta lên ngôi”.
Còn đăng quang là một cấu trúc do người VN đặt ra bằng hai yếu tố Hán Việt đăng [登] và quang [光] để chỉ sự lên ngôi. Nó không được ghi nhận trong từ điển Hán ngữ nhưng lại được ghi nhận trong từ điển Hán Việt, như Việt - Hán thông thoại tự - vị của Đỗ Văn Đáp (phụ trong mục đăng cực), Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng và dĩ nhiên là trong các quyển từ điển tiếng Việt.
Bình luận (0)