Lắt léo chữ nghĩa: Hoành thánh là món 'hỗn độn'?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
02/09/2023 06:41 GMT+7

Trong ẩm thực VN có một số món du nhập từ Trung Quốc, trong đó có món mì hoành thánh với cái tên khởi thủy khá kỳ lạ: "hỗn độn". Tương truyền, món này do Tây Thi nấu cho vua Ngô thưởng thức vào thời Xuân Thu.

Ở VN món mì hoành thánh có hai cách gọi chính: hoành thánh (miền Nam) và vằn thắn (miền Bắc). Đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, phiên âm từ chữ vân thôn (雲吞, wan4 tan1) và chữ hồn đồn (馄饨, wan4 tan1) đọc theo tiếng Quảng Đông.

Trong quyển Phương ngôn (方言) do Dương Hùng viết thời Tây Hán có đề cập đến một loại bánh gọi là "đồn", tức bánh bao (bính vị chi đồn/饼谓之饨). Người Trung Quốc cổ đại cho biết đó là một loại bánh bao bịt kín, gọi là hỗn độn (浑沌), về sau gọi là hồn đồn (馄饨). Lúc đó, hồn đồn và bánh bao không có gì khác nhau. Kể từ thời nhà Đường, tên của hồn đồn (hoành thánh) và bánh bao mới chính thức được phân biệt.

Có hai giả thuyết về nguồn gốc của hoành thánh:

a. Từ Đạo giáo: Vào ngày đông chí, tất cả đạo quán trong kinh đô sẽ tổ chức đại lễ. Các đạo sĩ sẽ đọc kinh và bày bàn mừng sinh nhật của Tam Thanh (3 vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo). Đạo giáo tin rằng Tam Thanh tượng trưng cho thế kỷ thứ nhất khi thế giới còn hỗn độn, Đạo khí chưa được hiển thị. Trong tác phẩm Yên kinh tuế thời khí có đoạn nói về hình dạng của hoành thánh giống như một quả trứng gà, trông khá giống với sự hỗn độn của thế giới, vì vậy vào ngày đông chí, người dân Trung Quốc có tục ăn "hồn đồn", tức món hoành thánh. Do hồn đồn (馄饨), và hỗn độn (混沌) là từ đồng âm nên dân gian cho rằng ăn hồn đồn là phá đi sự hỗn độn, mở mang thế giới. Tuy nhiên, người đời sau không còn giải thích nghĩa gốc của món ăn này mà chỉ truyền bá câu "Đông chí hồn đồn, hạ chí miến" (đông chí ăn hoành thánh, hạ chí ăn mì). Thật ra câu này đơn giản là nói về chế độ ăn kiêng.

b. Nguồn gốc Tây Thi: Theo truyền thuyết, trong một yến tiệc vào thời Xuân Thu, nàng Tây Thi xinh đẹp đã làm một món ăn chiêu đãi Ngô Vương. Vua ăn, gật gù hỏi: "Đây là món gì mà ngon thế?". Tây Thi thầm nghĩ vị vua đang mê muội mình nên thản nhiên đáp: "Hỗn độn" (混沌). Từ đó người dân Tô Châu đã sử dụng món "hỗn độn" làm món ngon cho ngày lễ hội đông chí.

Mỗi vùng ở Trung Quốc có các cách chế biến hoành thánh riêng, tạo thành những biến thể, do đó món này có nhiều tên gọi khác nhau: hồn đồn (馄饨, húntún); sao thủ (抄手, chāoshǒu); bao miến (包面, bāo miàn); thủy giảo (水饺, shuǐjiǎo); bao phục (包袱, bāofú); biển thực (扁食, biǎnshi) và biển nhục (扁肉, biǎn ròu)…

Ở Quảng Đông, do từ hồn đồn tương đối hiếm nên người dân thường viết thành vân thôn (云吞) cho tiện, vì từ này có cách phát âm trong tiếng Quảng Đông giống như hồn đồn (馄饨). Món hồn đồn du nhập Quảng Đông vào thời Đường và Tống.

Vào ngày 1.12.2017, chính quyền Trung Quốc đã ban hành quy định tên tiếng Anh tiêu chuẩn của hoành thánh là wonton, theo từ vân thôn (云吞, wan4 tan1) trong tiếng Quảng Đông; hoặc huntun, theo từ hồn đồn (馄饨, húntún) trong tiếng Quan Thoại.

Ở Trung Quốc, hoành thánh có nhiều loại: nhân thịt phồng, chiên, nhân tôm cá… Món này du nhập VN trong những năm 1930, tuy vẫn dựa vào cách chế biến gốc, song một số thành phần nguyên liệu có thay đổi để phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.