Lắt léo chữ nghĩa: Mẫu nan nhật là ngày gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
17/06/2023 07:22 GMT+7

Khi tổ chức sinh nhật cho mình, một người nào đó có nghĩ đến người mẹ đã sinh ra mình không? Trong ngày vui vẻ, chào mừng ngày ta đến với thế giới này thì cũng chính là ngày người mẹ vượt khó, gian nan để sinh ra ta, ngày đó gọi là "Mẫu nan nhật".

Mẫu nan nhật (母難日, mǔ nàn rì) là ngày người mẹ lâm bồn, khó nhọc sinh ra đứa con. Trong tiếng Trung Quốc, mẫu nan nhật đồng nghĩa với từ sinh nhật hay sinh thần, song ngày nay nhiều người thường tổ chức tiệc mừng sinh nhật chứ không nhớ hoặc không biết đến "mẫu nan nhật".

Trong Giáp cốt văn, mẫu (母) là mẹ, miêu tả một người nữ quỳ gối, quay mặt sang bên trái, trông giống như một người mẹ đang cho con bú. Thuyết văn giải tự cho biết: "Mẫu, mục dã (母, 牧也): Mẹ, có nghĩa là nuôi nấng; nghĩa gốc của "mẫu" là nuôi nấng, dạy dỗ con cái.

Nan (難) là khó khăn, còn âm khác là nạn (tai họa); nhật (日) là ngày. Mẫu nan nhật (母難日) là ngày người mẹ gian khổ sinh ra đứa con, một cách viết gọn của Mẫu nan chi nhật (母難之日). Đức Phật bảo: "ngày sinh gọi là Mẫu nan nhật, là ngày mà người mẹ đau đớn, trải qua thời khắc sinh tử để sinh ra đứa con". Y học hiện đại chia chỉ số đau của con người thành 10 cấp, từ cấp 1 (đau nhẹ) cho đến cấp 10 (rất đau). Chỉ số đau khi sinh con tự nhiên của phụ nữ đã lên tới 9,7 - 9,8, gần với mức cao nhất là 10. Người xưa nói rằng khi người mẹ sinh con, giống như "một chân trong quan tài, một chân ngoài quan tài" (nhất chỉ cước tại quan tài lí, nhất chỉ cước tại quan tài ngoại). Khi sinh con, có thể nói là mẹ khổ cha lo lắng, cho nên cổ nhân mới gọi là "phụ ưu mẫu nan chi nhật dã" (ngày mà cha lo lắng mẹ gian nan).

Xét về nguồn gốc, cụm từ mẫu nan nhật (母難日) xuất hiện trong quyển 2 (có tài liệu ghi là quyển 3) của bộ Trạm uyên tĩnh ngữ do Bạch Thỉnh (1248-1328) đời nhà Nguyên biên soạn, trong đó có đoạn viết về Lưu Cực Trai, một người nước Thục quê ở Tứ Xuyên. Vào ngày kỷ niệm sinh nhật, anh ta ăn chay, tắm rửa, thắp hương, ngồi thẳng người nói: "phụ ưu mẫu nan chi nhật dã" (父憂母難之日也) nghĩa là "ngày mà cha lo lắng mẹ gian nan". Trong Tây Du Ký (chương 17) cũng nhắc đến chi tiết "mẫu nan chi nhật" (母難之日).

Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, để kỷ niệm sinh nhật, người con lạy mẹ và mời mẹ ăn cơm để bày tỏ lòng biết ơn công lao khó nhọc của mẹ đã mang nặng đẻ đau "thập nguyệt phụ thai" (người mẹ mang thai 10 tháng). Ở Nhật Bản, con trai gọi ngày sinh của mình là "mẫu nan nhật". Họ thường mời mẹ đi ăn tối và cúi chào mẹ trong ngày kỷ niệm sinh nhật của mình.

Ngày nay, bên cạnh việc tổ chức mừng sinh nhật (hay sinh thần), cần lưu ý đến truyền thống văn hóa Á Đông, xin nhớ rằng, ngày sinh ra ta cũng là ngày "mẫu nan nhật", ngày mà cha lo lắng mẹ gian nan. Việc hiếu kính mẹ là điều mà người xưa rất chú trọng trong ngày "mẫu nan nhật".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.