Lắt léo chữ nghĩa: Những từ 'qua' trong tiếng Việt

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
27/05/2023 07:00 GMT+7

Trong Từ điển nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, có loại trái mà người miền Nam thường gọi là khổ qua, còn ngoài bắc gọi là mướp đắng. Khổ qua không phải là từ thuần Việt như nhiều người nghĩ, nó đích thị là từ Hán Việt: khổ (苦) = đắng; qua (瓜) = trái mướp.

Khổ qua có tên khoa học là Momordica charantia, một loại cây nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc họ Cucurbitaceae, được trồng rộng rãi ở châu Á, châu Phi và Caribe. Khổ qua có nhiều loài khác nhau về hình dạng và vị đắng. Trong Hán ngữ, khổ qua (苦瓜) còn được gọi là lương qua (涼瓜), bán sinh qua (半生瓜), lại bồ đào (癞葡萄), cẩm lệ chi (锦荔枝); người Nhật gọi là nigauri, gōya (苦瓜, ゴーヤ), Triều Tiên gọi là yeoju (여주).

Chữ qua (瓜) trong "khổ qua" còn dùng để chỉ các loại dưa, bầu, bí, mướp nói chung. Ví dụ như bào qua là trái bầu; đông qua hay phấn qua là bí đao; hàn qua hay tây qua là dưa hấu; hoàng qua là bí lào (lao); còn lại qua là dưa chuột; thải qua là trái mướp; vương qua là dưa gang; gia qua là trái cà; mộc qua là trái đu đủ; riêng bắc qua ngoài nghĩa là bí đỏ, từ này còn dùng để chỉ 1 loại dưa hấu vỏ trắng, gọi là nam qua, uy qua hay phiên qua… Những từ này ngày nay ít sử dụng, chỉ còn tìm thấy trong các văn bản cổ.

Nhìn chung, khổ qua là phương ngữ Nam, phiên âm Hán Việt từ chữ 苦瓜 (kǔguā) trong Hán ngữ; còn mướp đắng là phương ngữ Bắc, dịch nghĩa cũng từ chữ 苦瓜. Cả hai từ này đã được ghi nhận trong quyển Dictionarium latino-anamiticum của Jean Louis Taberd (1838) và quyển Đại Nam Quấc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895).

Trong Hán ngữ, ngoài chữ qua (瓜) kể trên, còn có những chữ qua với cách viết và nghĩa khác nhau. Ví dụ: qua (戈) là cái mác, một thứ vũ khí ngày xưa; qua (瘑) là mụn nhọt; qua (簻) là roi ngựa hay cây gậy; qua (髽) là búi tóc để tang tết bằng sợi gai của phụ nữ thời xưa; qua (騧) là con ngựa mình vàng mõm đen; còn kham qua (坩堝) lại là đồ gốm, cái nồi để nấu vàng bạc...

Trong chữ Nôm, từ qua (戈) còn được dùng để chỉ thời gian (hôm qua), sự chuyển dịch, phương hướng (đi qua cửa), quan sát (coi qua ngó lại)… Đây là chữ mượn từ chữ 戈 trong Hán ngữ - một từ mà người Trung Quốc còn dùng để chỉ "cái mác" (binh khí ngày xưa) hoặc có nghĩa là "chiến tranh", chẳng hạn như nhật tầm can qua (日尋干戈), nghĩa là "ngày gây sự đánh nhau".

Riêng đại từ nhân xưng qua là từ "thuần Việt", thường dùng với nghĩa là "tôi" (người vai trên), được viết bằng 2 chữ Nôm là 戈 và 過, mượn từ Hán ngữ theo phép giả tá. Ví dụ như truyện Thạch Sanh, viết bằng chữ Nôm: "Để phần cho bậu một mâm, Ở nhà thời mẹ với qua ăn rồi" (câu 423 - 424).

Sau năm 1975, đại từ nhân xưng qua hầu như ít được sử dụng, đến năm 2018 thì đột nhiên "gây bão", khiến nhiều người bàn luận sôi nổi khi doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tự xưng là "qua" thay cho cách xưng hô thông thường là "tôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.