Lắt léo chữ nghĩa: Nguồn gốc của đại từ QUA

17/03/2019 09:00 GMT+7

Nhiều người sống trong Nam từng biết đến việc chơi chữ về hai từ qua : 'Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua , bữa nay qua không nói qua qua mà qua qua' .

Trong “nói qua qua” thì từ qua trước là đại từ còn từ sau là động từ. Động từ qua là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [過], mà âm Hán Việt hiện hành là quá, có nghĩa là đi qua (như trong quá bộ, quá giang), đã qua (như trong quá khứ, quá vãng). Còn đại từ qua thì sao?
GS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN, đã từng nói trên báo: “Theo tôi, từ này không phải từ thuần Việt mà rất có thể là mượn từ tiếng Hán nhưng không phải tiếng Quan thoại - tiếng Hán chính danh của Trung Quốc. Đó là mượn phương ngữ phía nam của Trung Quốc như vùng Quảng Đông, Phúc Kiến... từ những người Việt gốc Hoa chẳng hạn”.
Chúng tôi đồng ý với GS Nguyễn Văn Lợi rằng qua không phải là từ thuần Việt nhưng lại không đồng ý rằng nó được mượn từ ngôn ngữ của những người Việt gốc Hoa vì nó đã được ghi nhận tại cột 615 trong Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes, in ở Rome từ năm 1651 (Những từ mượn của người Việt gốc Hoa thì xuất hiện muộn hơn). Nhóm Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính đã dịch mục này như sau:
“QUA: Tôi; khi người trên nói với người dưới. Mớ qua: Chúng tôi; khi nhiều người có địa vị cao hơn nói với những người dưới, hay một người nói thay cho tất cả”.
Chẳng những thế, qua còn là một từ cùng gốc với đại từ qua của tiếng Mường mà Từ điển Mường - Việt (do Nguyễn Văn Khang chủ biên, ảnh) dịch là: “chúng tôi (chúng tao, chúng em, chúng tớ)”. Hiện tượng này chứng tỏ qua là một từ đã có từ lâu đời, trước khi khối Việt - Mường chung tách ra thành Việt (Kinh) và Mường (vào thế kỷ 10, theo ý kiến của phần đông các nhà nghiên cứu). Sau khi “tách đôi” thì, ngược với tiếng Việt, tiếng Mường ít tiếp xúc với tiếng Hán.
Nhưng trước đó thì tiếng Việt - Mường chung lại có tiếp xúc với ngôn ngữ này trong suốt thời Bắc thuộc. Từ qua của tiếng Việt và tiếng Mường ra đời chính là trong giai đoạn Việt - Mường chung và là một từ Việt - Mường gốc Hán, mà chúng tôi cho là bắt nguồn ở chữ/từ ngã [我], có nghĩa là “tôi, chúng ta” vì trong chữ ngã [我] lại có chữ qua [戈], đồng âm với từ qua của tiếng Việt và tiếng Mường, cũng có nghĩa là “tôi, chúng ta”. Cái duyên nợ văn tự - ngữ âm - ngữ nghĩa này đã khiến chúng tôi nhìn thấy từ qua Việt - Mường trong chữ ngã [我] của tiếng Hán. Sở dĩ qua [戈] có mặt trong ngã [我] vì qua là tên một loại vũ khí, thường dùng làm thành tố trong một số chữ hội ý chỉ vũ khí, mà ngã lại vốn cũng là tên của một loại vũ khí, như đã được giải thích trên rất nhiều nguồn như: baike.baidu.com, zh.wikipedia.org, rufodao.qq.com, kknews.cc, sohu.com, bastillepost.com, history.people.com.cn...
Ý kiến của chúng tôi là như thế, còn từ qua của Việt - Mường chung thực sự có liên quan gì với từ qua [戈] của tiếng Hán hay không thì xin nhường lời cho các chuyên gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.