Vui sống mỗi ngày @ blog có bài của Lương Thiên Lý nhan đề “Vui lạ nghe tiếng gọi o, mệ, ôn, cụ mi”. Tác giả này viết:
“Bên O MỆ là ÔN. Ôn là cách gọi tôn kính bậc bề trên. Đó không phải là để thay chữ ông, như ông bà ngoại thành Ôn mệ ngoại mà ôn đây là chỉ tước vị. Tỉ như nói đến vị trụ trì chùa Phước Diên thì người Huế gọi là Ôn Phước Diên. Ôn tiên chỉ, Ôn hội trưởng, Ôn tri bộ. Cũng với Ôn là Ngài như ngài chánh án, ngài Bảo Đại".
Tại số 27 Đào Duy Từ, P.Phú Bình, TP.Huế, có “Quán nem lụi Ôn Mệ”.
Tuổi Trẻ online ngày 23.10.2017 có bài "Mụ ni răng lạ rứa hè!” của Bút Bi, trong đó có đoạn đối thoại:
“- Mụ ơi, ra tui nói cái ni.
- Chi rứa ôn?
- Thì chuyện dạy con cái chớ chi.
- Tưởng chuyện chi quan trọng. Mà từ ni ôn mi đừng gọi tui là mụ nữa nghe!
- Răng rứa? Mụ là vợ tui, không gọi là mụ, rứa gọi là chi?
- Thì ôn cứ gọi là bà, là vợ, là em, chi cũng được, đừng gọi là mụ nữa!
- Mụ ni răng lạ rứa hè! Người Huế ngàn đời gọi là mụ, chữ mụ dùng để gọi mụ vợ, chị gái hay em gái của mệ (bà nội ngoại), rồi mụ gia (sui gia), mụ o, mụ già... Tui gọi mụ nghĩa là bà, giống mụ gọi tui ôn là ông đó.”
Từ ôn của các nguồn và các tác giả trên đây, dù nó dùng để chỉ tước vị như Lương Thiên Lý đã khẳng định (?) hoặc có chức năng gì thì cũng chỉ là một biến thể ngữ âm của từ ông trong ông bà của tiếng phổ thông mà thôi. Đồng thời “ôn” cũng là một hình thức chính tả không hợp lý vì lẽ ra phải viết là ôông, như Võ Xuân Trang đã ghi nhận trong Phương ngữ Bình Trị Thiên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.261). Tiếng Việt, dù là tiếng Huế, cũng chỉ có 4 âm tiết ôn sau đây mà thôi:
- hình vị phụ thuộc ôn [温] là ấm như trong ôn độ, ôn đới, ôn hòa, ôn tồn...;
- hình vị phụ thuộc ôn [瘟] là bệnh dịch, như trong đạo ôn, ôn dịch…;
- từ ôn [温] là tập lại cho nhớ, như trong ôn luyện, ôn tập, ôn thi, học ôn…; và
- từ ôn như trong thằng ôn, ôn con, ôn vật.
Còn chữ của các nguồn và các tác giả nói trên thì phải viết là ôông vì nếu viết “ôn” thì cách đọc chuẩn sẽ là ôn [on] như trong ôn hòa, ôn tập... Phải viết ôông thì mới có thể đọc thành [o:ŋ].
Gút lại, ta có ba chữ ÔN, ÔNG và ÔÔNG mà chữ ÔÔNG thường bị viết thành ÔN nên sai chính tả mà nếu phát âm chuẩn thì cũng chẳng phải là ÔÔNG. Với ÔN, ta có [o] và [n]; với ÔNG, ta có [o] và [ŋ] còn với ÔÔNG thì ta lại có [o:] và [ŋ]. Chính vì sự khác nhau này mà viết ÔN để đọc ÔÔNG là một việc làm sai chính tả.
Bình luận (0)