Quán ngữ phớt Ăng-lê gồm có hai từ: phớt và Ăng-lê. Việt Nam tự-điển của Lê Văn Đức và Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ đều cho rằng phớt là do tiếng Pháp flegme mà ra. Có đúng như thế không?
Trước nhất, về ngữ âm thì flegme đọc là [flɛɡm], trong đó [ɛɡ] chỉ có thể thành “éc” chứ không thể là “ớt”. Thứ đến, về ngữ nghĩa thì flegme là “sự điềm tĩnh”, không phải “sự phớt lờ”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng điềm tĩnh là “hoàn toàn bình tĩnh, tỏ ra tự nhiên như thường, không hề bối rối, sợ hãi”; còn phớt lờ là “phớt hẳn, lờ hẳn đi, không thèm để ý đến”. Khác nhau rõ ràng. Huống chi phớt lại là một yếu tố đã có trong từ vựng của tiếng Việt trước khi ngôn ngữ này tiếp xúc với tiếng Pháp.
Thật vậy, trước khi người Việt biết đến danh từ flegme và tính từ flegmatique của tiếng Pháp thì cha ông của họ đã từng nói: phớt lờ, nói phớt qua, phơn phớt hồng, lớt phớt mưa...; trong đó phớt có nghĩa gốc là “thưa” (như lớt phớt mưa), là “nhạt” (như phơn phớt hồng), rồi mới có nghĩa phái sinh là “không thấu đáo, không kỹ càng” (như nói phớt qua), là “thờ ơ, không quan tâm” (như phớt tỉnh, phớt lờ...).
Chính Ăng-lê mới là một từ Việt gốc Pháp bắt nguồn từ danh từ Anglais có nghĩa là “người Anh” hoặc tính từ anglais có nghĩa là “thuộc về nước Anh, liên quan đến nước Anh”. Người Anh là những người mà sự điềm tĩnh hầu như là đặc tính điển hình. Các nhà sử học cho rằng đặc tính này hình thành từ thời Nữ hoàng Victoria (trị vì từ 1837 - 1901) với những người đàn ông của giới thượng lưu. Họ được dạy ở nhà trường về sự kiềm chế cảm xúc và sự bình tĩnh cao độ trước mọi sự hỗn độn. Nhưng không có gì tồn tại mãi với thời gian. Theo bài Le flegme britannique? Une légende... (tạm dịch: Sự điềm tĩnh kiểu Anh? Một truyền thuyết...) trên 20minutes.fr ngày 15.5.2009 thì: “Người Anh nổi giận 4 lần một ngày, nối gót họ là người Ý (3,5 lần một ngày), người Pháp (3) và người Tây Ban Nha (2,8). Không quá nhạy cảm để nổi trận lôi đình, cũng không quá rụt rè, người Đức chiếm vị trí giữa của bảng [xếp hạng] (2,4). Xa phía sau, nắm giữ vinh hạnh của sự điềm tĩnh, người Đan Mạch chỉ nổi giận mỗi ngày một lần...”.
Dù cho thông tin trên đây có đúng hoặc đúng đến đâu thì sự điềm tĩnh của người Anh vẫn là một truyền thuyết và truyền thuyết này đã đi vào tiếng Việt với quán ngữ phớt Ăng-lê mà khởi xướng hẳn là dân trí thức, dân văn nghệ... Chỉ tiếc rằng họ đã đồng hóa hai khái niệm “điềm tĩnh” và “phớt lờ” một cách không thực sự thỏa đáng.
Bình luận (0)