Lắt léo chữ nghĩa: Tẩy chay, nguồn gốc và ý nghĩa

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
01/07/2023 15:10 GMT+7

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2003) định nghĩa tẩy chay là "coi như không biết gì đến, không mua, không dùng, không tham gia, không có quan hệ, để tỏ thái độ phản đối" (tr.903). Điều này đúng song cần bàn thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của từ này.

Xét về từ nguyên, tẩy chay là từ phiên âm của 抵制 (dai2 zai3) trong tiếng Quảng Đông, âm Hán Việt là "để chế", có nghĩa là "ngăn cản, chống lại, đẩy lùi". Thuật ngữ này thường được sử dụng ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Singapore và Malaysia… Những tác phẩm đầu tiên sử dụng từ "để chế" (抵制 là Quan trường hiện hình ký (官场现形记) của Lý Bảo Gia thời nhà Thanh (chương 6); Văn minh tiểu sử

(文明小史), chương 31 và San đầu hải quan ca (汕头海关歌)… Bên cạnh từ "để chế", tẩy chay còn được gọi là "bôi cát" (杯葛), một thuật ngữ sử dụng chủ yếu ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao, không phổ biến ở Trung Quốc đại lục.

Trong lĩnh vực kinh doanh, "bôi cát" được gọi là "bất mãi vận động" (不買運動), dùng để chỉ hành vi tập thể tẩy chay một cá nhân, công ty hay thậm chí cả một quốc gia. Một phong trào tẩy chay còn được gọi là "cấm vận" (禁运). Tẩy chay có thể bao gồm việc từ chối mọi hình thức thương mại. Trong cuộc sống hằng ngày, tẩy chay có nghĩa mở rộng là "cô lập". Ví dụ: "Ở trường, tôi bị các bạn cùng lớp tẩy chay." Tức là tôi bị mọi người trong lớp cô lập.

"Bôi cát" (杯葛, bēigé) có nguồn gốc từ chữ boycott, đặt theo tên của thuyền trưởng Charles Boycott. Từ boycott được đưa vào ngôn ngữ Anh trong "Cuộc chiến đất đai" (Land War) của người Ireland năm 1880, khởi nguồn từ thuyền trưởng người Anh Charles Boycott đã nghỉ hưu, một chủ đồn điền ở thị trấn Mayo, hạt Mayo, Ireland. Vào thời điểm đó, người dân địa phương thấy tiền thuê đất quá cao nên đề nghị chủ đồn điền giảm giá thuê vì mùa vụ thất bát. Do chủ đồn điền không giảm giá thuê đất như ý muốn nên người dân phản đối, không bán hàng thu hoạch trong vụ mùa, la ó mỗi lần thấy chủ đồn điền xuất hiện. Báo chí ở Anh và Mỹ vào cuộc, đặt ra khái niệm "boycotting" để gọi sự phản đối này, về sau hình thành thuật ngữ boycott với nghĩa là "tẩy chay" trong tiếng Việt. Đến năm 1968, Lacey O'Neal, một vận động viên điền kinh người Mỹ, đã chế ra thuật ngữ gọi là girlcott, sử dụng trong Thế vận hội mùa hè ở thành phố Mexico. Girlcott là cách chơi chữ từ thuật ngữ boycott, một hoạt động tẩy chay nhằm tập trung vào quyền hoặc hành động của phụ nữ.

Nhìn chung, khái niệm "tẩy chay" trong phần lớn các ngôn ngữ trên thế giới đều có nguồn gốc từ thuật ngữ boycott trong tiếng Anh, ví dụ như ボイコット(boikotto) trong tiếng Nhật; 보이콧 (Hàn Quốc); การคว่ำบาตร (Thái); boicottaggio (Ý) hay boicote (Bồ Đào Nha)…

Tóm lại, tẩy chay là từ phiên âm của để chế (抵制) trong tiếng Quảng Đông, còn bôi cát (杯葛) thì phiên âm từ chữ boycott trong tiếng Anh. Ngày nay, khi dịch chữ boycott sang tiếng Việt, người ta vẫn sử dụng từ tẩy chay hoặc những từ tương ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.