Hiện nay có 3 quan điểm về chữ hà (河) và giang (江).
Ở Việt Nam, hà có nghĩa là sông (có thể lớn hoặc không lớn lắm), còn giang là sông cả, sông lớn. Nói cách khác, khái niệm hà chỉ sông nhỏ hơn giang. Ví dụ, đoạn sông từ Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam được chúng ta gọi là Hồng Hà (sông Hồng), còn Cửu Long giang (sông Cửu Long) là sông lớn hơn.
Vào thời thượng cổ, người Trung Quốc dùng từ hà (河) để chỉ sông Hà, từ giang (江) để chỉ sông Giang, do chữ hà và giang có cùng bộ Thủy (氵) nên ngày xưa người ta còn gọi 2 con sông này là Hà thủy và Giang thủy như ghi chú trong Thuyết văn giải tự. Nói cách khác, Hà (河) tức là Hoàng Hà ngày nay, còn Giang (江) là Trường Giang ngày nay. Tuy cả hai khái niệm hà và giang đều có nghĩa là sông, nhưng có phân biệt: hà dùng để chỉ các con sông ở miền Bắc Trung Quốc, còn giang dùng để chỉ các con sông ở miền Nam.
Hà (河) với nghĩa là sông, có khả năng là một từ Trung Quốc gốc, đọc theo giọng Quan Thoại (Bắc Kinh) là hé, Quảng Đông là ho4; trong khi đó, giang (江) tuy có nghĩa là sông, nhưng lại có khả năng xuất phát từ ngôn ngữ Nam Á, qua cách gọi k’long (sông) của vài sắc tộc. Khi phân tích chữ giang
(江) ta sẽ thấy rõ hơn, chữ này có 2 phần: bộ thủy氵+ âm 工 (đọc là gōng, tiếng Hán cổ là *kˤoŋ). Bằng chứng khác, hiện nay người Quảng Đông vẫn đọc chữ giang (江) là gong1.
Nhìn chung, cả hai chữ hà (河) và giang (江) đều là những từ cổ, đã được ghi nhận trong Kinh Thi. Theo quyển Từ nguyên của Lý Học Cần chủ biên, Liêu Ninh xuất bản xã (2013) thì ban đầu chữ hà (河) gồm có những ký tự âm thanh kết hợp với nhau, được ghi trên bản khắc xương (giáp cốt văn) giống như nhiều âm cổ khác thuộc bộ Ca. Còn giang (江) là chữ được nhìn thấy lần đầu trên những bản khắc bằng đồng (kim văn).
Để tạo ra những chữ Nôm có nghĩa là sông hoặc sông nước, người Việt xưa đã mượn nguyên xi từ Hán ngữ 2 chữ 河 (hà) và 江 (giang), mượn âm của chữ long (滝, lóng) và lung (瀧, lóng) để tạo ra chữ sông, tuy nhiên vẫn có chữ “thuần Nôm” viết là 㳘 (sông).
Ngày nay, trong tiếng Việt, chữ sông được dùng phổ biến hơn; còn hà và giang chủ yếu sử dụng trong nhân danh và địa danh.
Bình luận (0)