Lắt léo chữ nghĩa: Sai lầm từ ‘ngựa’ và hãng ‘Furla’

12/09/2021 09:00 GMT+7

Từ nguyên dân gian đã dẫn đến nhiều sai lầm đáng tiếc trong việc sử dụng và/hoặc giải thích từ ngữ mà sau đây là hai thí dụ.

Trước tiên là chuyện liên quan đến con ngựa qua việc dùng hai tiếng bộ sậu. Bộ sậu là gì? Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ghi chú chữ Hán của hai tiếng bộ sậu là [步驟] và giảng là “[khẩu ngữ] toàn bộ những người, những bộ phận làm thành một bộ máy tổ chức nào đó”. Đây là cái nghĩa mà ta thấy nhan nhản trên các phương tiện truyền thông:
- Lãnh đạo đi công tác kéo “bộ sậu” vài chục người
- Bộ sậu X. gây thiệt hại tiền nhà nước như thế nào?
- Bộ sậu công ty Y. đối diện khung hình phạt đến tử hình
Thực ra thì trong Hán ngữ, bộ sậu [步驟] không hề có cái nghĩa mà Từ điển tiếng Việt 2020 đã giảng (mà lại ghi chú cả chữ Hán!). Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “Bước ngựa đi, bốn chân thứ tự trước sau nhất định. Chỉ thứ tự làm việc”. Đây mới là cái nghĩa chính xác. Nếu chú ý một chút, ta sẽ thấy chữ sậu [驟] thuộc bộ mã [馬] là “ngựa” và bộ sậu [步驟] không có dính dáng gì đến “những người, những bộ phận làm thành một bộ máy tổ chức nào đó”. Nếu có dịp xem xiếc hoặc các cuộc biểu diễn, ta sẽ thấy những bước đi của ngựa thật sang trọng, quý phái, đầy tính chất nghệ thuật. Chẳng qua là từ nguyên dân gian đã khiến cho người nói (sujet parlant; speaker) đánh đồng chữ bộ [步] này (= bước đi) với chữ bộ [部] là “gồm chung, coi hết”, như trong: cục bộ, nội bộ, toàn bộ, tổng bộ, bộ môn, bộ phận, bộ thủ, bộ tộc…, nên mới ra nông nỗi.
Chuyện thứ hai liên quan đến bài Mũ áo xênh xang trên Người đô thị ngày 15.4.2019. Tác giả viết:
Thế giới từ vựng của thị dân Hà thành đột nhiên được cập nhật rôm rả, biến cả những nhãn hiệu thành danh từ chung như khăn phula từ tên hãng Furla (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) […]. Trong ngôn từ của người Hà Nội, những từ như khăn san (châle), vải casơmia (cashmere, ít ai bận tâm đến bang Kashmir bên Ấn Độ dù hồi Pháp thuộc có vài trăm Ấn kiều bán hàng hay làm lính gác ở Hà Nội) hay khăn phula đồng nghĩa với một thế giới phồn hoa”.
Không biết tác giả lấy ở đâu ra chi tiết “khăn phula từ tên hãng Furla” chứ Furla là nhà chế tác đồ da cao cấp do Aldo Furlanetto tại Bologna sáng lập từ năm 1927 tại Ý. Furla là niềm tự hào trong ngành chế tác da thủ công và được kế thừa qua nhiều thế hệ thuộc dòng họ Furlanetto. Suốt lịch sử phát triển của thương hiệu, Furla không ngừng sáng tạo các thiết kế mới cùng việc nâng tầm chất lượng cho các dòng sản phẩm thời trang của mình. Hãng này chỉ thấy giới thiệu các mặt hàng sau đây: Bags (túi xách) - Small Leather Goods (đồ da cỡ nhỏ) - Belts (thắt lưng) - SunGlasses (kính râm) - Jewelry (đồ kim hoàn) - Wallets (ví, bóp) - Keychain (Dây đeo móc khóa) - Watches (đồng hồ đeo tay). Không thấy bóng dáng phula ở đâu.
Thưc ra, phu-la bắt nguồn từ tiếng Pháp foulard, đã trở thành quen thuộc từ thời còn mồ ma của thực dân Pháp, nhất là với thanh niên Hà Nội vào mùa rét. Còn ai có tham gia hướng đạo sinh (scout) thì đều biết đến cái phu-la quàng cổ. Và chiếc khăn quàng đỏ của thiếu niên Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp là foulard rouge. Không có dây mơ rễ má gì với tên của hãng Furla cả.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.