Lắt léo chữ nghĩa: Trà tam rượu tứ

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
27/04/2024 07:05 GMT+7

Trà tam rượu tứ hay Chè tam rượu tứ là thành ngữ phổ biến, song nhiều người không biết "phần đuôi" của thành ngữ này, do đó có thể hiểu khác nhau.

Trà tam rượu tứ có nguồn gốc từ câu Trà tam tửu tứ thích đà nhị (茶 三 酒 四 踢 跎 二) của người Triều Sán ở Trung Quốc. "Phần đuôi" ở đây chính là "thích đà nhị", một cụm từ khó dịch nếu không biết Triều ngữ (tức tiếng Triều Châu hay tiếng Tiều), một nhánh của phương ngữ Mân Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận cách hiểu câu tục ngữ này như sau.

Trà tam (茶 三): "tam" là ba, con số 3 rất thú vị trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, đã từng được Lão Tử đề cập trong Đạo đức kinh: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật", ý nghĩa cuối cùng của số 3 là sự hòa hợp. "Trà tam" có nghĩa là không nên có quá nhiều người cùng nhau uống trà. Ba người là đủ để duy trì bầu không khí uống trà trang nhã, thể hiện qua câu ngạn ngữ: "Ẩm trà dĩ khách thiểu vi quý" (Việc uống trà có giá trị hơn khi ít khách hơn). Nhìn chung, trong việc thưởng thức trà, một người thì cảm nhận được tinh thần uống trà; hai người thì cùng thưởng thức niềm vui nếm trà; ba người thì cảm nhận được hương vị thực sự của trà, còn bảy tám người thì gọi là "thí trà", chỉ để giải khát (Phẩm trà, nhất nhân đắc thần, nhị nhân đắc thú, tam nhân đắc vị, thất bát nhân thị danh thí trà - trích Nham tây u sự của Trần Kế Nho (1558 - 1639), văn học gia, thư họa gia thời nhà Minh.

Trong nghi thức uống trà, thông thường 3 tách trà được đặt cạnh nhau tạo thành chữ "phẩm" (品), hàm ý mọi người nên chú ý đến tư cách và hành vi đạo đức. Ký tự "phẩm" (品) có nghĩa là nếm trà, cấu thành từ 3 chữ "khẩu" (口 miệng), ngụ ý rằng việc uống trà nên chia thành 3 ngụm: ngụm thứ nhất là nếm (nhất khẩu xuyến), ngụm thứ hai là chú ý tư cách (nhị khẩu phẩm) và ngụm thứ ba là thưởng thức (tam khẩu hồi vị).

Rượu tứ (酒 四, tửu tứ): Việc uống trà thiên về yên tĩnh, còn uống rượu có khuynh hướng sôi động, song tập hợp quá nhiều người thì dễ gây hỗn loạn. Bốn người là đủ. Con số 4 tượng trưng cho sự cân bằng. Con số này biểu thị cho bốn hướng "đông, tây, nam, bắc" và bốn mùa "xuân, hạ, thu, đông", giống như ý của câu "Tứ diện chi tọa, tượng tứ thời dã" (Ngồi bốn hướng giống như bốn mùa vậy) trong Lễ Ký, Hương ẩm tửu nghĩa. Ngoài ra, con số 4 còn tượng trưng 4 người bạn trong giá rét "mai, lan, trúc, cúc" (tuế hàn tứ hữu); 4 người bạn văn nhân "cầm, kỳ, thư, họa" (văn nhân tứ hữu); 4 vật quý trong văn phòng "bút, nghiên, giấy, mực" (văn phòng tứ bảo); hay 4 dụng cụ pha trà tinh xảo của trà quán (trà phòng tứ bảo)…

Như vậy, ý nghĩa của trà tam rượu tứ đã rõ, song "phần đuôi" câu tục ngữ của người Triều Sán là gì, xin thưa, đó là cụm từ thích đà nhị (踢跎二), có phiên bản ghi là "thích đào nhị" (踢桃二).

Thích đà (hay thích đào) có nghĩa là "du ngoạn" trong phương ngữ Triều Châu, còn nhị là "hai", ngụ ý rằng số người lý tưởng khi đi chơi chung là hai, vì "hai người đồng tâm có thể cắt kim loại như một con dao sắc, lời nói đồng tâm hương thơm như hoa lan" (Khổng Tử). Ngoài ra, từ xa xưa đã có câu "Hai người đồng lòng thì sức mạnh bẻ gãy được kim loại (Nhị nhân đồng tâm, kì lợi đoạn kim - Dịch Kinh, Hệ từ thượng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.