Tạc là một cách đọc sai của chữ [炸]. Cả Quảng vận (1008) lẫn Khang Hy tự điển (1716) đều không ghi nhận chữ này. Ta có thể nghĩ rằng đây là một chữ tương đối mới nên kéo theo nó hai cách nói tạc đạn [炸彈], oanh tạc [轟炸] cũng là những lối nói không xưa lắm. Chính vì thế nên chúng tôi mạo muội cho rằng đọc trá [炸] thành tạc không phải là cái sai của các cụ ngày xưa mà là của các tác giả tân thời (thời Tây) vì các vị đã đọc trá [炸] theo thanh phù của các chữ tạc [昨][酢], là những chữ đã thông dụng từ xưa. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đều đọc nó là tạc. Nhưng trong các tự thư bằng chữ Hán, tương đối mới, thì âm của nó là trá, như Từ hải chẳng hạn, đã ghi “đọc như trá” [讀如詐]. Thứ bánh rán bằng bột mì mà người Quảng Đông gọi là “yầu cha quẩy” [油炸鬼] - Ta cũng gọi gần y như thế - thì một số tác giả người Việt Nam đã đọc theo âm Hán Việt thành “du tạc quỷ”; thực ra, đó là du trá quỷ.
Nhân nói về chữ “tạc” [炸] bộ hỏa [火] này, xin nói thêm về chữ tạc [酢] bộ dậu [酉] trong thù tạc [酬酢]. Chữ này cũng hài thanh bằng chữ sạ [乍] mà chữ sạ [乍] còn hài thanh cho chữ có phụ âm đầu TR và nguyên âm A (TRA). Từ đây suy ra, tạc [酢] có một điệp thức là trả trong trả ơn, trả lễ. Đây là nói về ngữ âm; còn về ngữ nghĩa thì, trong thù tạc, thù [酬] là “(chủ) rót rượu mời khách” và tạc [酢] là “(khách) rót rượu mời lại chủ để trả lễ”. Cái nét nghĩa “trả” đã nằm trong chữ tạc [酢].
Trở lên là nói về chữ tạc [炸] mà thực chất là trá còn bây giờ xin nói về chữ “trá” trong khoái trá mà thực chất lại là chá. Hán ngữ chỉ có khoái cảm, khoái lạc , khoái sự, khoái thích, khoái ý, v.v…, mà không có “khoái trá”. Đây là cách nói riêng của tiếng Việt, xuất phát từ bốn chữ quái chá nhân khẩu [膾炙人口]. Âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] là “chá”. Thiết âm của nó trong Từ hải (bản cũ) là “chí dạ thiết” [至夜切]; trong Từ nguyên (bản cũ) cũng y như thế; trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “chi dạ thiết” [之夜切]. Đây chính là âm đã được cho từ hơn 1.000 năm trước trong Quảng vận (1008); tại đây, nó vẫn chỉ được đọc là “chá” [柘]. Tất cả các chữ “chí” [至], “chi” [之] và “chá” [柘] đều thuộc thanh mẫu “chiếu” [照], nghĩa là có phụ âm đầu CH-. Điều này chứng tỏ rằng âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] hiển nhiên là “chá” chứ không phải “trá”. Chá [炙] là “nướng; quay”. Với âm và nghĩa này từ thư tịch, chá đã có một điệp thức rất quen thuộc trong tiếng Việt phổ thông là chả, trong chả cá, chả giò, bún chả, v.v...
Quái chá nhân khẩu [膾炙人口], nghĩa đen là “thức ăn ngon làm cho người ta thấy sướng miệng”, nghĩa bóng là “văn thơ hay, đồ vật đẹp làm cho người ta thấy thích thú”. Thành ngữ này có liên hệ với sự xuất hiện của hai tiếng khoái trá. Số là chữ quái - có một điệp thức quen thuộc trong tiếng Việt là gỏi - có người đọc thành khoái, mà trên giấy trắng mực đen có lẽ Đỗ Văn Đáp là người đầu tiên nêu trong Việt Hán thông thoại tự vị (Nam Định, 1933). Thế là ta có khoái chá nhân khẩu. Lại thêm chuyện có người đọc chá thành trá, tiêu biểu và công khai là lời giải đáp của một tác giả trên Tuổi trẻ cười số 479 (1.7.2013): “Từ đúng ở đây tất nhiên là khoái trá, còn khoái chá là kiểu nói ngọng thường thấy ở một số người". Vì những chuyện đại loại như thế mà câu khoái trá nhân khẩu ra đời rồi bị lược bỏ hai tiếng nhân khẩu mà thành khoái trá, thông dụng cho đến ngày nay.
Bình luận (0)