Trước hết, xin mời tìm hiểu nguồn gốc của trẻ trâu, một cụm từ xuất hiện khá nhiều trên sách báo từ 70 năm về trước, ban đầu dùng để chỉ trẻ chăn trâu chứ không phải là tiếng lóng như ngày nay. Ví dụ trong những tác phẩm dịch: "Một đứa trẻ trâu ngồi hát" (Liêu trai chí dị, tập 4, tr. 645, của Bồ Tùng Linh, Đào Trinh Nhất dịch, NXB Bốn Phương, 1954); "Có bến đò xưa, có trẻ trâu thổi sáo" (Đại Nam Nhất thống chí, tập 16, tr. 27, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục của chính quyền Sài Gòn, 1965).
Trong thời gian gần đây, cụm từ trẻ trâu đã chuyển biến nghĩa, thành từ lóng, dùng để chỉ những người có cuộc sống gian truân, vất vả thời thơ ấu hoặc những đứa trẻ năng động, gan lì, thậm chí là ăn chơi, nghịch phá: "Đã từng một thời trẻ trâu, Trộm cam trộm mít nhảy cầu tắm sông" (Vinh trong ký ức: Vinh Xưa, tr. 297, Phạm Xuân Cần chủ biên); "Một đám trẻ trâu, ong ve chạy những chiếc xe phân khối lớn" (Dế hèn giang hồ ký, chương 17, tác giả Chi Chi (2016)…
Nhìn chung, có vài cách hiểu về trẻ trâu. Một bức vẽ trên mạng có định nghĩa vui về trẻ trâu: "Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ, Chí anh hùng click chuột định giang sơn" (thodanhoang tuong). Theo chúng tôi, từ lóng trẻ trâu có thể xuất phát từ văn chương rồi lan truyền dần trên mạng, bởi vì gần 20 năm trước, từ này đã xuất hiện với nghĩa mới: "Phía trẻ trâu bướng bỉnh rõ là không sợ" (Vườn An lạc của Nguyễn Xuân Hưng, tr. 10, NXB Lao động, 2005).
Hiện nay, do từ lóng trẻ trâu mang ý nghĩa tiêu cực, nghe có vẻ nặng nề nên người ta đã nghĩ ra cách gọi khác bằng từ Hán Việt là sửu nhi, vì họ nghĩ rằng sửu là trâu, còn nhi là đứa trẻ. Song, trên thực tế, hai từ lóng này không hoàn toàn đồng nghĩa, sửu nhi không có nghĩa là trẻ trâu.
Trong Hán ngữ, sửu (丑, chǒu) là con bò chứ không phải con trâu. Một thời gian dài nhiều người đã ngộ nhận sửu (丑) là trâu vì cho rằng sửu tương ứng với ngưu. Thủ phạm của sự hiểu lầm này có lẽ bắt nguồn từ quyển Tam Thiên tự do Ngô Thời Nhiệm biên soạn: ngưu trâu, mã ngựa. Xin lưu ý, Sửu là chi thứ hai trong Thập nhị chi, chỉ có ở Việt Nam con giáp này mới "bị" hiểu là con trâu, song ở Nhật Bản con giáp đó là ushi (うし), viết theo Kanji là 牯 (con bò); còn ở Hàn Quốc là chug (축), cũng có nghĩa là con bò.
Trong Hán ngữ, cụm từ sửu nhi có 2 cách viết: 丑儿 và 丑兒, phát âm theo tiếng Quan Thoại (Bắc Kinh) đều là chǒu er. Song, 2 cụm từ này không có nghĩa là sửu nhi (trẻ trâu) mà được người Trung Quốc dùng để chỉ đứa trẻ xấu xí, vì chữ 丑 ngoài âm Hán Việt là sửu, còn có âm là xú (xấu xí).
Tóm lại, trẻ trâu và sửu nhi thường được dùng trong văn nói hằng ngày để thể hiện sự thân thiết (thậm chí là bỗ bã); song cần tránh sử dụng trong các văn bản có tính trang trọng.
Bình luận (0)