Cách giải thích trên là nói về "phù thủy" phương Tây chứ không phải "ông đồng, bà đồng" ở VN. Đồng bóng ở đây có nghĩa là "bóng của các thần linh trong cõi vô hình, mượn hình đồng để tiếp xúc, phù hộ cho người trần gian". Trong chữ Nôm, đồng (僮,童) là người liên lạc được thế giới bên kia: Lạ gì một cốt một đồng xưa nay (Truyện Kiều, câu 1162); còn bóng (𡞗) là người đàn bà hành nghề cầu cúng. Trong Hán ngữ, vu (巫) có nghĩa là "đồng cốt, kẻ cúng quỷ thần cầu phúc cho người". Ví dụ: nữ vu (女巫) là bà đồng cốt; vu bà (巫婆): mụ phù thủy.
Từ "đồng bóng" đã từng được ghi nhận trong quyển Dictionnaire franco-tonkinois illustré, P. G. Vallot (Schneider, 1898, tr.347). Các ông đồng, bà đồng cho thần linh hay vong hồn nhập vào họ, lúc ấy họ không còn là chính mình, nghĩa là đã biến thành thần hay vong hồn để ban phúc lộc, trừ tà diệt ma, chữa bệnh, phán truyền điều gì đấy; còn người nhận những điều ấy được gọi là con nhang hay đệ tử…
Ở VN, đồng bóng còn được gọi là lên đồng, hầu đồng, hầu bóng…, một hoạt động tín ngưỡng dân gian có tính chất của Shaman giáo (một tín ngưỡng có hoạt động liên quan tới sự giao tiếp với thế giới linh hồn). Về cơ bản, đây là hình thức giao tiếp của ông đồng, bà đồng với thế giới siêu linh bằng nghi thức nào đó. Ví dụ như "trò chơi phụ đồng chổi, thả thơ, đoán mộng, giao tiếp với các siêu linh, vong hồn"; hình thức cầu cơ của đạo Cao Đài; nghi thức Đạo Mẫu; nghi thức lên đồng trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; hay Thanh Đồng trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần… Nhiều dân tộc ít người ở VN cũng có hình thức lên đồng (Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Thái…). Tùy dân tộc, người lên đồng có thể là thầy Mo, Tào, Then, Pựt, Xídi hay Mỡi...
Trong tiếng Anh hiện đại, thuật ngữ shamanism (Shaman giáo) tương ứng khái niệm đồng bóng ở VN. Từ này bắt nguồn từ chữ šamán trong tiếng Nga - bản thân của từ tiếng Nga này lại có nguồn gốc từ chữ samān trong ngôn ngữ Tungusic (có thể từ phương ngữ tây nam của tiếng Evenki do các dân tộc Sym Evenki sử dụng) hoặc từ tiếng Mãn Châu: ᠠᠮᠠᠨ (saman). Tương ứng với Shaman giáo là thuật ngữ Tát mãn giáo (萨满教) trong tiếng Trung Quốc; Bản giáo (苯教) trong tiếng Tây Tạng; phu/phác ngạch (朴额) trong tiếng Mông Cổ - phiên là Huihe Mouyu Khan.
Nhìn chung, từ đồng bóng có thể tương ứng ở khía cạnh nào đó với khái niệm thầy cúng, phù thủy, thầy pháp hay những thuật ngữ nước ngoài nêu trên, tất cả tùy thuộc vào tín ngưỡng dân gian trong mỗi nền văn hóa và cách thực hành tâm linh đặc thù của người bản địa. Ngoài cách hiểu là "người nhập hồn kẻ ở cõi âm để truyền lại cho kẻ còn ở trên cõi dương", hiện nay, đồng bóng còn được hiểu là kẻ thích ăn mặc quá lòe loẹt, thích phô trương hoặc tính tình lúc thế này, lúc thế khác, hay trở chứng…
Bình luận (0)