Lắt léo chữ nghĩa: 'Trị nước chín kinh, dùng quan tám bính'

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
12/08/2023 06:59 GMT+7

Bạn đọc hỏi: "Trị nước chín kinh, dùng quan tám bính" nghĩa là gì, nguồn gốc câu này từ đâu?

Xin thưa, câu này nằm trong bài tán do Thân Nhân Trung biên soạn, có khoảng 48 câu, xuất hiện trong phần ghi chép sự việc diễn ra vào năm Hồng Đức thứ 28 (1497) - Đại Việt sử ký toàn thư (bản Kỷ, quyển XIII). Câu này nằm trong đoạn: "Theo điển, dùng lễ; Lánh gian, thân hiền; Trị nước, chín kinh; Dùng quan: tám bính".

Chín kinh là chín bộ sách kinh điển của Nho giáo, bao gồm Tứ thư và Ngũ kinh. Tứ thư gồm có: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử; còn Ngũ kinh là: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ (hay Lễ Ký), Kinh DịchKinh Xuân Thu.

Tám bính là tám cách mà các hoàng đế Trung Hoa cổ đại sử dụng để kiểm soát thần dân của họ, đã được ghi chép trong mục Đại Tể, thiên Thiên Quan, sách Chu Lễ thời Chiến Quốc qua thuật ngữ bát bính (八柄). Để giản tiện, chúng tôi xin lược trích những cụm từ thể hiện bát bính trong đoạn văn đó: "nhất viết tước, nhị viết lộc, tam viết dữ, tứ viết trí, ngũ viết sinh, lục viết đoạt, thất viết phế, bát viết tru". Trong đó: 1. Tước (爵) là ban chức tước; 2. Lộc (禄) là cấp bổng lộc; 3. Dữ (予) là khen thưởng; 4. Trí (置) là đặt quan chức; 5. Sinh (生) là nuôi dưỡng người có công lao; 6. Đoạt (夺) là thu lấy tài sản, chức tước của kẻ có tội; 7. Phế (废) là phế bỏ, đuổi đi; 8. Tru (诛) là trị tội.

Bát bính còn xuất hiện trong bộ Tam Quốc chí (Trương Hoành truyện, Ngô Chí); Trai Vũ đế thụy nghị và trong Ngụy Thư (Bành Thành Vương cứ truyện)…

Song, xin lưu ý, Thân Nhân Trung (申仁忠, 1419 - 1499) tuy dựa vào sách Chu Lễ để biên soạn bài tán kể trên nhưng ông không phải là người Trung Quốc. Ông là một vị tiến sĩ thời vua Lê Thánh Tông, từng giữ những chức vụ quan trọng như Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, ngoài ra ông còn là Đông các Đại học sĩ, Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông ...

Thuật ngữ kinh (經) không chỉ nói về chín kinh kể trên, mà còn dùng để chỉ các sách tôn giáo như Diệu Pháp Liên Hoa kinh (Phật giáo), Kinh Brahmana (đạo Bà La Môn), Kinh Torah (Do Thái giáo); hoặc sách nói về văn chương, nghề nghiệp sự vật, ví dụ như Trà kinh (sách bàn về trà), San hải kinh (sách bàn về núi non, biển cả); Ngưu kinh Mã kinh (sách xem tướng trâu, ngựa và cách trị bệnh)…

Còn bính (柄) không chỉ là những điều trong tám bính kể trên, mà còn là câu chuyện, đề tài có thể đem ra cười chê, công kích, ví dụ như tiếu bính là đề tài để người ta cười nhạo; bính còn là lượng từ như cái, cây, cuống, chuôi, cán…, chẳng hạn như đao bính (chuôi dao) hay hoa bính (cuống hoa)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.