Vợ chồng “cậu Thủy” là người như thế nào mà có khả năng điều hành cả một đường dây khép kín, kết hợp yếu tố tâm linh và yếu tố thực tế hiện trường rất “hoàn hảo” khiến nhiều người sập bẫy?
“Cậu Thủy” (dấu x) tại thời điểm lừa bốc mộ ở Gio Mai (H.Gio Linh, Quảng Trị) - Ảnh: Thanh Lộc
Như đã đề cập ở bài trước, “đánh” vào tình cảm thiêng liêng của mỗi người khi khát khao tìm kiếm, quy tập hài cốt và mồ mả thân nhân thất lạc do chiến tranh, vợ chồng “cậu Thủy” đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa gạt, trục lợi.
Mở tài khoản tiếp nhận “lễ trình”, “lễ tạ”
Để hình thành đường dây lừa đảo khép kín, “cậu Thủy” đã lần lượt lôi kéo, tổ chức cho Nguyễn Văn Hoành (em ruột), Mẫn Đức Phương (em vợ) và 2 con rể của vợ là Nguyễn Anh Chiều, Nguyễn Trường Sơn tham gia trợ giúp.
Thời gian đầu Nguyễn Anh Chiều làm tài xế còn Nguyễn Văn Hoành được giao đảm nhận khâu đào trộm hài cốt. Đến tháng 8.2011, Chiều ly hôn với con gái Duyên, không còn coi “cậu Thủy” là cha vợ nữa nên bị hất cẳng ra khỏi đường dây. Lúc này, Phương và Sơn được “trám” vào làm lái xe và cùng Hoành tham gia trộm hài cốt, tổ chức dàn dựng các hiện trường giả.
Thời gian đầu, “cậu Thủy” mua tiểu sành cũ và giao cho Hoành đem chôn làm giả nơi có mồ mả, hài cốt. Sau đó, “cậu Thủy” ra tay trổ tài “tìm kiếm” bằng cách sử dụng một phương thức tâm linh gọi là “quy vong, nhập vong”. Ông ta đến khu vực hiện trường giả đã chuẩn bị sẵn, chờ đêm tối, tiến hành khai quật như thật.
Lừa được một số người, danh tiếng “cậu Thủy” cũng theo lời đồn lan nhanh và thu hút những gia đình đang khát khao tìm kiếm mộ thân nhân tìm đến. Bước sang năm 2010, khi nhiều gia đình liệt sĩ đặt vấn đề nhờ tìm hài cốt người thân hy sinh tại các tỉnh phía nam, “cậu Thủy” cũng bắt đầu hoàn thiện hơn kịch bản lừa đảo và thủ đoạn ăn tiền cũng trở nên chuyên nghiệp hơn.
“Cậu Thủy” yêu cầu mỗi trường hợp đến nhờ tìm hài cốt phải cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ (như họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh...). Bước tiếp theo là phải đặt lễ lên điện thờ nhà “cậu Thủy” với số tiền từ 10 đến 15 triệu đồng (gọi là lễ trình), để “cậu Thủy” thắp hương xin “thánh Mẫu”. Sau khi “thánh Mẫu cho phép”, “cậu Thủy” sẽ hẹn thời gian, địa điểm gặp, tổ chức cất bốc hài cốt.
Sau khi tìm và cất bốc xong hài cốt, thân nhân liệt sĩ còn phải đưa thêm cho “cậu Thủy” từ 100 triệu đồng trở lên để làm “lễ tạ”. Do lượng tiền đổ về nhiều nên “thay mặt thánh Mẫu”, vợ “cậu Thủy” mở 2 tài khoản ngân hàng để tiếp nhận “lễ trình” và “lễ tạ” của các cá nhân, đơn vị ở xa.
Nhiều thân nhân liệt sĩ “sập bẫy”
Vì quá khát khao tìm mộ sau nhiều năm vô vọng, không ít thân nhân liệt sĩ đã vội vàng tin tưởng và “sập bẫy” những trò bịp của “cậu Thủy”.
Tại kết luận điều tra, Cơ quan ANĐT - Công an Quảng Trị đã làm rõ 7 vụ việc mà “cậu Thủy” đã lừa từng gia đình thân nhân liệt sĩ riêng lẻ. Đáng nói, cả 7 liệt sĩ hy sinh và mất tích ở một nơi khác nhưng đều được “cậu Thủy” tìm thấy ở một nơi hoang vu, ít người qua lại và cách vị trí hy sinh có khi vài trăm cây số.
Tháng 10.2010, anh T.V.H (57 tuổi, trú Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) nhờ “cậu Thủy” tìm hài cốt chú ruột là liệt sĩ Trần Văn Cời, hy sinh tại Bình Định. “Cậu Thủy” liền dàn dựng, sắp xếp để “tìm thấy” liệt sĩ Cời ở Khe Gió (thuộc xã Cam Thành, H.Cam Lộ).
Tháng 11.2011, anh H.V.V (43 tuổi, P.Trung Mỹ Tây, TP.HCM) nhờ tìm hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Tố, hy sinh ở mặt trận phía nam. Đường dây của “cậu Thủy” lại đưa gia đình anh V. ra khu vực làng Vây (xã Tân Long, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) và... tìm thấy hài cốt ở đó.
Nhẫn tâm hơn là toàn bộ số hài cốt để làm hiện trường giả trong cả 7 vụ này, đường dây của “cậu Thủy” đều đào trộm tại nghĩa trang liệt sĩ H.Hải Lăng (Quảng Trị).
Ngoài 7 trường hợp có đơn tố cáo đã được cơ quan ANĐT làm rõ trong vụ án này, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ khác ở nhiều địa phương cũng bị “cậu Thủy” lừa tìm hài cốt với thủ đoạn tương tự. Nhưng do nhiều người chưa trình báo, tố giác cụ thể nên cơ quan ANĐT chưa đủ cơ sở để làm rõ.
Cặp đôi “ma mị”
Theo tài liệu điều tra, bị can Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) từng học Trường trung cấp An ninh tại H.Sóc Sơn (Hà Nội) và được giữ lại trường công tác. Đến tháng 9.1983, Thúy xin thôi việc về quê làm ruộng và buôn bán lâm sản. Khi gặp và sống với nhau như vợ chồng với Mẫn Thị Duyên vào năm 1996, “cậu Thủy” bắt đầu hành trình lừa đảo bằng nghề bói toán, mê tín dị đoan.
Đến tháng 11.1997, Thúy và Duyên bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt, khởi tố và TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt lần lượt 10 năm tù và 12 năm tù về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Năm 2004, Thúy ra tù trước thời hạn, về sống tại xã Phú Lâm (H.Tiên Du, Bắc Ninh) làm nghề đắp tượng, làm hòn non bộ, tạc đá. Đến tháng 5.2007, khi Duyên ra tù, cặp đôi này lại dắt díu nhau về sống tại thôn Trác Bút (TT.Chờ, H.Yên Phong, Bắc Ninh) dấn thân sâu hơn vào việc lừa đảo, buôn thần bán thánh, không ngại “đụng” đến anh linh của các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ.
|
Bình luận (0)