Lẩu 1 người nhưng không ‘cô đơn’ cho người Sài Gòn những ngày se lạnh

Lê Ngọc Thảo
Lê Ngọc Thảo
25/12/2020 20:14 GMT+7

“Độc lạ nhưng đơn giản” là điều mà chị Trà Ngọc Lan Thanh (27 tuổi) chủ cửa hàng Bếp của Bâu luôn muốn hướng đến trong những món ăn của quán mình, trong đó có món lẩu một người gây sốt mạng xã hội trong thời gian qua.

Món ăn “cũ mà mới” này đã được Lan Thanh mở bán gần hai tháng nay. Dù mang tên “lẩu một người” nhưng phần lớn khác đến gọi món đều đi theo cặp hoặc nhóm, nhất là trong tiết trời Sài Gòn se lạnh những ngày cuối năm. Những ngày đầu, Thanh chỉ bán 10 – 20 phần để khách ăn thử, đến nay khách đến ủng hộ đông nên số lượng đã lên đến 100 – 140 nồi một ngày.

Mỗi phần đều có giá 29 ngàn gồm: nước lẩu, rau, mì hoặc bún tự chọn, cá viên, cá hú/thịt (tùy loại lẩu) và phần nước uống miễn phí.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Lẩu một người bán cho… nhiều người

Thanh cho biết ba chị nấu lẩu rất ngon, quán của chị lại thường mở những món ăn có hình thức mới lạ để thu hút khách nên chị quyết định kết hợp sở trường của hai cha con để mở thêm món “lẩu một người” nhưng không “cô đơn” này.
Thanh vốn là người thích nấu ăn nên việc học món lẩu từ ba không khó, cái khó là nêm nếm làm sao cho nồi nước lẩu to đùng đến khi chia ra từng nồi nhỏ vẫn vừa miệng. Nước lẩu ở Bếp của Bâu thường được khách nhận xét có phần ngọt như khẩu vị của người miền Tây Nam Bộ.

Nhóm bạn của anh Nguyễn Văn Lợi ( 28 tuổi, ngụ Q.8) gọi ba cái “lẩu một người” với ba vị khác nhau để “mạnh ai nấy ăn, không ai giành phần ai”

“Tôi hay nêm nước lẩu bằng đường phèn, những ngày đầu có chưa quen liều lượng nên khá ngọt, sau nhiều lần điều chỉnh theo góp ý của khách thì giờ nó “ok” hơn rồi, miền nào ăn cũng được”, Thanh cười.

Khám phá quán lẩu bò với hơn 150 món tại Sài Gòn

Hiện tại, lẩu một người tại quán của Lan Thanh có nhiều loại gồm: thái, tomyum, cá hú và đầu mực. Mỗi phần đều có giá 29 ngàn gồm: nước lẩu, rau 3 loại (rau muống, cải thảo, bạc hà), một phần mì hoặc bún tự chọn, cá viên, cá hú/thịt (tùy loại lẩu) và phần nước uống miễn phí.
Lẩu một người nhưng không ‘cô đơn’ cho dân Sài Gòn trong những ngày se lạnh

Lẩu “một người” nhưng không “cô đơn” vì khách thường đến ăn theo nhóm.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Theo Thanh, lượng thức ăn trong phần lẩu chị mở bán ở mức ăn trung bình của một người, ai ăn “mạnh” hơn có thể kêu thêm rau, thịt hoặc bún. Tất cả đều đồng giá 5 ngàn mỗi phần còn nước lẩu và cồn thì cho thêm miễn phí.
Thanh cho biết, mang tên là lẩu “một người” nhưng phần lớn quán đều bán cho… nhiều người. Chị lý giải: “Mặc dù bán lẩu dành cho một người nhưng tôi luôn “khuyến cáo” khách nên đi theo nhóm rồi kêu mỗi người một cái ngồi ăn chung cho vui chứ lẩu mà ăn một mình thì buồn lắm. Khách cũng nghĩ vậy nên phần lớn đến đây đều đi theo cặp hoặc nhóm thôi, rất hiếm người đi ăn một mình nên “một người” mà không “cô đơn” đâu nha”.
Lẩu một người nhưng không ‘cô đơn’ cho dân Sài Gòn trong những ngày se lạnh

Trần Bảo Châu (16 tuổi, ngụ Q.6) cùng bạn là “fan” cứng của quán.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Tuy nhiên, quán chị lâu lâu vẫn có những khách đến ăn lẩu một mình vì muốn có không gian riêng, thèm lẩu nhưng không biết rủ ai đi cùng hay đơn giản chỉ là… đại diện đi ăn thử xem ngon hay không rồi hôm sau mới kéo “đội quân” đến “càn quét”.
“Với những khách đến ăn một mình, tôi hay ra ngồi nói chuyện cùng họ cho vui hoặc sắp xếp một khách khác ngồi chung, biết đâu vô tình “tác hợp” một mối tình thì sao”, Thanh cho hay.
Một điều thường thấy tại quán của Thanh là khách hay để quên đồ sau khi đã “ấm bụng”, đến khi chị đăng lên trang của quán thì mới có người nhớ ra rồi liên hệ đến nhận, lúc thì cái ví, lúc thì túi xách, có lần khách còn bỏ quên hẳn một… hộp vàng cưới.
Lẩu một người nhưng không ‘cô đơn’ cho dân Sài Gòn trong những ngày se lạnh

“Tôi thấy bọn trẻ “review” rần rần trên mạng nên đến ăn thử cho biết. Nước lẩu ngon, vừa miệng nên tôi định kêu thêm phần nữa vì hai vợ chồng ăn khá… mạnh”, bà Phan Thị Mỹ Linh (41 tuổi, Q.5) cười nói.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Thanh kể, lần đó cũng như thường lệ chị dọn quán thấy khách để quên đồ thì đăng lên facebook tìm chủ nhân. “Ngay tối hôm đó có hai anh chị nhắn tin cho quán nhận đó là đồ của họ. Khi gọi video để kiểm tra thì chúng tôi mới… té ngửa vì trong giỏ là hộp vàng cưới, may mắn hơn là tất cả vẫn còn đầy đủ. Hôm sau anh chị mới chạy từ Long An lên để nhận lại rồi gọi lẩu ăn thêm chập nữa để “đa tạ” quán”, Thanh nhớ lại.
Hai lần trước ghé quán lúc 20 giờ hơn thì hết lẩu, hôm nay anh Nguyễn Văn Lợi ( 28 tuổi, ngụ Q.8) quyết tâm đến quán sớm hơn để ăn “cho bằng được” món lẩu một người nổi rần rần trên mạng.
“Ba người chúng tôi kêu ba cái “lẩu một người” với ba vị khác nhau để mạnh ai nấy ăn, không ai giành phần của ai hết. Thay vì ăn một tô bún thái bình thường ăn xong rồi về thì lẩu một người của quán trang trí trông đẹp mắt, hấp dẫn, 3 người cùng ngồi ăn uống tâm sự cũng tiện hơn”, anh Lợi cho biết.
Lẩu một người nhưng không ‘cô đơn’ cho dân Sài Gòn trong những ngày se lạnh

Độc lạ và tự do là quan niệm sống cũng như buôn bán của Lan Thanh.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

“Áp lực hay vui vẻ là do mình chọn”

Lan Thanh cho biết chị bắt đầu tự buôn bán từ năm 20 tuổi, ban đầu chỉ là là một chiếc xe đẩy nhỏ bán đồ ăn vặt, sau vài năm khá hơn thì thuê mặt bằng ở quận 10 và lấy tên quán là Bếp của Bâu.
5 năm kinh doanh ở quận 10, quán của Thanh luôn duy trì được lượng khách ổn định vì những món ăn độc lạ như: kem mây, kem đen, bánh mì cầu vồng, trà sữa lon, lẩu trà sữa,... Những món này đều do chị học ở nước ngoài rồi mang về đây biến tấu lại cho phù hợp với khẩu vị người Việt.
Bạn Võ Nguyễn Thu Hiền (16 tuổi, Q.6) cho biết mình là “fan” của Bếp của Bâu từ những ngày đầu mở bán. “Quán của chị Thanh lúc nào cũng bán những món độc lạ thu hút học sinh tụi em đến ăn, cứ ra món mới là em phải đến thử ngay và luôn. Chẳng hạn món lẩu một người này tụi em đến đây ăn bao nhiêu lần cũng không nhớ nữa”, Hiền cười nói.
Lẩu một người nhưng không ‘cô đơn’ cho dân Sài Gòn trong những ngày se lạnh

Không gian quán khá nhỏ và nóng nên Thanh luôn khuyến khích khách đến quán vào chiều tối cho mát mẻ.

ẢNH: LÊ NGỌC THẢO

Hai năm gần đây, Lan Thanh chuyển cửa hàng về bán tại nhà của bà nội ở quận 6. Chỗ bán hiện tại chật hẹp hơn, không đủ diện tích cho khách ngồi cũng như khá nóng vào ban ngày. “Chỗ này bà nội bán cà phê được 40, 50 năm nay rồi. Mình kêu nội nghỉ ngơi vì đã lớn tuổi nhưng nội không chịu nên mình mới quyết định dời cửa hàng về đây bán để nội an tâm mà “nghỉ hưu””, Thanh chia sẻ.
Lan Thanh cũng cho biết trước khi bắt đầu tự kinh doanh, chị đã làm nhân viên pha chế rồi đến thợ xăm – đam mê từ nhỏ của Thanh. Theo đuổi được một thời gian Thanh mới cảm thấy mình không có duyên với nghề nên quyết định nghỉ việc và chuyển sang buôn bán theo truyền thống của gia đình.
“Tôi là người thuộc cộng đồng LGBT, come out (công khai giới tính) từ năm 13 tuổi. Thời gian đầu gia đình chưa thể chấp nhận mà xã hội cũng còn khắt khe nên tôi cũng buồn. Do đó, khi đủ 18 tuổi tôi đã đi làm và tập tành buôn bán để chứng minh rằng tôi có thể làm nhiều thứ và làm rất tốt. Hiện tại thì gia đình rất thoải mái và ủng hộ tôi trong mọi việc”, Thanh bộc bạch.
Chị Ngô Nguyễn Hương Bình (21 tuổi), phụ quán cũng là bạn của Thanh cho biết Thanh vô cùng đam mê và tâm huyết với việc buôn bán. Tuy nhiên, Thanh lại không đặt quá nặng doanh số mà chú trọng chất lượng món ăn và sự thoải mái của chủ và khách.
Hương Bình chia sẻ: “Thanh và tôi đều nghĩ thà lời ít một chút mà khách đến ủng hộ đông, ăn uống vui vẻ rồi mình cũng vui lây. Hôm nào mệt thì cả hai nghỉ một ngày lấy sức chứ không làm việc “bán sống bán chết”. Sức khỏe và niềm vui luôn là điều chúng tôi ưu tiên trong cuộc sống”.
“Những món ăn của tiệm cũng như cách sống của tôi: khá độc lạ và tự do. Theo tôi, áp lực hay vui vẻ đều là do mình chọn. Nếu mình yêu cầu cao với công việc tự khắc sẽ áp lực để hoàn thành, nếu cảm thấy hiện tại mọi thứ đều ổn và đủ thì mình sẽ thoải mái và vui vẻ tận hưởng thôi”, Lan Thanh tâm sự.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.