Lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định

24/10/2015 06:00 GMT+7

Hôm qua 23.10, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận đóng góp ý kiến các dự thảo văn kiện trình Đại hội (ĐH) Đảng lần thứ 12.

Hôm qua 23.10, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận đóng góp ý kiến các dự thảo văn kiện trình Đại hội (ĐH) Đảng lần thứ 12.

ĐB Lê Minh Thông phát biểu - Ảnh: Ngọc ThắngĐB Lê Minh Thông phát biểu - Ảnh: Ngọc Thắng
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị đánh giá đậm hơn về yếu tố con người, yếu tố trong quản lý, đặc biệt là tính Đảng, tính chiến đấu, việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ và Nguyên tắc Đảng trong quản lý và điều hành của các cấp, của từng cán bộ, đảng viên.
“Tại sao có tình trạng trên nói, dưới không nghe, nói một đằng, làm một nẻo. Đảng viên không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc thực hiện rất hình thức, sử dụng không hết giờ làm việc, công suất làm việc, cống hiến hết sức hạn chế”, Phó chủ tịch nước đặt vấn đề.
“Chủ trương đường lối thì đúng, chính sách đúng, nhưng tại sao xuống đến dưới thì nhiều nơi cứ làm sai như thế, cố tình làm sai như thế? Chi trả sai, hồ sơ giả, rất nhiều vấn đề. Nhiệm kỳ vừa rồi, tình trạng này có xu hướng tăng lên. Do đâu? Đại hội là đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Đảng để nhìn lại chính bản thân chúng ta trong 5 năm qua. Thế thì chúng ta phải đánh giá nguyên nhân chủ quan cho tốt”, bà Doan nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng: “Trọng tâm vẫn phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định, phải có cải cách, bước phát triển trong công tác cán bộ, đảng viên, sức mạnh của Đảng không chỉ là đường lối mà ở những con người cụ thể, đảng viên cụ thể ở từng vị trí. Dân chủ trong Đảng phải nhấn mạnh vì đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội”.
Theo ông, sự đột phá cần tiến hành ở tất cả các khâu, trong đó có cả khâu bầu ra lãnh đạo ở các cấp cần tiến hành được cạnh tranh trong công tác bầu cử để thực sự lựa chọn được những người có đức có tài để lãnh đạo Đảng ở các cấp. Quy trình làm công tác cán bộ, cách thức bầu cử phải tính để làm sao thực sự xứng đáng. “Tôi hy vọng thời gian sẽ chứng minh, các đồng chí trẻ sẽ chứng tỏ được điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được yên tâm trong xã hội. Đúng quy trình mà xã hội vẫn băn khoăn thì mắc ở chỗ nào, trong Đảng chúng ta phải nghiêm túc chuyện đó”, ông bày tỏ.
Theo đại biểu (ĐB) Phạm Văn Tam (Hà Nam), niềm tin của nhân dân và cả đảng viên với Đảng vẫn còn nguyên vẹn. Yêu cầu duy nhất là Đảng mạnh lên để đủ sức lãnh đạo phát triển đất nước và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo ĐB Tam, cần có đánh giá sâu, tổng kết về công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức. “Suốt nhiệm kỳ qua và các nhiệm kỳ trước, rất dày công, chúng ta phát hiện ra những vấn đề suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên. Bằng rất nhiều giải pháp để làm lành mạnh tâm tư, tình cảm và hệ tư tưởng của người đảng viên cộng sản, bằng các chương trình như Nghị quyết T.Ư 2, T.Ư 4, Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng, tư tưởng, nhận thức, đạo đức lối sống của đảng viên hình như sự chuyển biến không nhiều. Tại sao lại như thế? Cần có đánh giá”, ông Tam nói và cho rằng nên bàn, có chủ trương, giải pháp sâu, cụ thể củng cố Đảng.
“Nếu bây giờ xem xét lại, rà soát lại bộ máy của Đảng, bộ máy lãnh đạo của Đảng, bao gồm cấp ủy và hệ thống các cơ quan giúp việc cho cấp ủy thì hết sức cồng kềnh. Chất lượng đầu vào của đội ngũ này cũng không chuyên nghiệp và không có tư duy lãnh đạo, thì làm sao tổ chức được”, ông nói.
Theo ĐB Tam, cần quan tâm đến bộ máy lãnh đạo, hạt nhân là cấp ủy với các tiêu chí đáp ứng quá trình hội nhập, chuyển biến mau lẹ. “Có những đồng chí lãnh đạo, thú thật, đến chúng ta là người trong Đảng mà vẫn không còn niềm tin vào họ. Bởi vì họ không có ý tưởng gì về lãnh đạo cả, họ chỉ nói và làm theo nghị quyết, chứ không có tư duy. Với những lãnh đạo như vậy sinh hoạt Đảng cứ đều đều, không tạo ra được cú huých cho tập thể, không tạo ra được cú huých về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên”, ĐB Tam nói.
Đóng góp ý kiến liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng đúng như dự thảo văn kiện đã đánh giá, có sự lúng túng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Do vậy, cần có phân định rạch ròi trong lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân.
“Sắp tới cần làm rõ cơ chế này để không mất thời gian, lãng phí nguồn lực, tạo được niềm tin sự chủ động của hệ thống chính trị. Vì, có những việc Đảng bàn rất kỹ rồi, đã có biểu quyết rồi, đã thành nghị quyết rồi nhưng QH vẫn thảo luận, vẫn biểu quyết. Như vậy có cần thiết không? Phương thức lãnh đạo cần phân định rõ vấn đề gì Đảng đã quyết thì toàn bộ hệ thống chỉ việc chấp hành. Tuy nhiên mỗi bộ phận trong hệ thống chính trị có cách chấp hành khác nhau. Từ Nghị quyết của Đảng, QH thể chế hóa thành các luật, chính sách để thực thi. Chính phủ điều hành đúng theo tinh thần nghị quyết để làm sao đạt được yêu cầu Đảng đề ra. Không có bàn gì nữa chỉ bàn về giải pháp triển khai thế nào thôi”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.