Lấy đất bỏ hoang xây nhà tái định cư cho dân

Đình Sơn
Đình Sơn
07/12/2024 06:18 GMT+7

Sở TN-MT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức chủ động bố trí quỹ đất trống trên địa bàn để làm nhà tái định cư, nhằm đảm bảo quỹ đất, nhà tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cho các dự án.

Đất vàng bỏ hoang

Trên địa bàn TP.HCM hiện còn khá nhiều khu đất bỏ hoang có thể sử dụng vào việc này. Chẳng hạn tại Q.12 có hàng loạt khu đất bỏ hoang, lãng phí và TP đang thu hồi để làm nhà tái định cư. Điển hình như khu đất 7.526 m2 thuộc Khu quy hoạch tái định cư 38 (P.Tân Thới Nhất) do Trường trung học tư thục Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam quản lý để đầu tư xây dựng Trường trung cấp Phương Nam. Để có đất sạch giao cho chủ đầu tư xây dựng trường học, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của một số hộ dân sống trên khu đất. Cách đây hơn 8 năm, chủ đầu tư tổ chức khởi công dự án nhưng sau đó không xây dựng gì. Theo quan sát của PV Thanh Niên, hiện khu đất làm dự án vẫn là một bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm trong khi hạ tầng xung quanh đã được chính quyền đầu tư rất bài bản.

Bà Hoàng Anh, một người dân sống cạnh dự án, nói với chúng tôi rằng TP đã chi hàng trăm tỉ đồng để làm hạ tầng khu quy hoạch xung quanh dự án rất khang trang, hiện đại, nhưng dự án thành phần của Trường trung cấp Phương Nam lại để hoang nhiều năm trời, rất phản cảm và xấu xí. Dù cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi dự án nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển động gì.

Theo thông tin từ Sở TN-MT, do chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, thuộc trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai nên Sở đã có công văn trình UBND TP.HCM kiến nghị thu hồi khu đất để làm nhà tái định cư, phục vụ các dự án trọng điểm của TP.

Lấy đất bỏ hoang xây nhà tái định cư cho dân- Ảnh 1.

Khu đất 7.526 m2 để đầu tư xây dựng Trường trung cấp Phương Nam bỏ hoang nhiều năm được đề xuất thu hồi làm nhà tái định cư

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Một khu đất khác rộng gần 26.000 m2 ở P.Hiệp Thành (Q.12) của Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex chưa sử dụng và đang bị lấn chiếm. Khu đất được nhà nước cho thuê có thời hạn, nhưng không được gia hạn nên TP đã có quyết định và đang thực hiện thu hồi. Cũng trên địa bàn Q.12, khu đất của Trung tâm Sâm và Dược liệu rộng hơn 10.800 m2 hiện đang bỏ hoang, sử dụng sai mục đích và chưa hoàn tất thủ tục giao đất, TP cũng đã có quyết định thu hồi đối với khu đất này.

Tại TP.Thủ Đức, khu đất 81.500 m2 tại P.Tân Phú từ năm 2003 đã được giao cho Công ty TNHH Lâm sản Mỹ nghệ Suối Tiên (nay là Công ty CP du lịch văn hóa Suối Tiên) để đầu tư xây dựng dự án khu tái định cư phục vụ dự án mở rộng Khu lâm trại Suối Tiên. Chính quyền Q.9 cũ đã ban hành nhiều quyết định về việc công bố thu hồi đất đối với các hộ có đất nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ dự án. Các hộ dân có đất bị thu hồi cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi quyết định của nhà nước trong việc bàn giao đất. Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Dự án này cùng hàng chục dự án khác mới đây được HĐND TP.HCM "điểm mặt" khi có trong kế hoạch phát triển nhà ở của TP.HCM nhưng không được UBND TP.HCM thống kê, báo cáo, dẫn đến thiếu thông tin và tiến độ liên quan.

Giải ngân chậm do thiếu nhà tái định cư

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho hay kế hoạch vốn năm 2024 và các dự án đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đến nay chưa thực hiện xong trên địa bàn các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Một trong những nguyên nhân chính và cũng là khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là thiếu quỹ đất ở, nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Như trên địa bàn H.Nhà Bè, do không có quỹ nhà, đất để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn nên phải cân đối từ nguồn quỹ nền đất, căn hộ trên địa bàn Q.7. Tương tự, Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm phải bố trí tái định cư tại 16 khu nhà, đất trên địa bàn Q.Bình Thạnh, Q.10, Q.12 và TP.Thủ Đức. Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi bố trí tái định cư tại 8 khu đất ở, nhà ở trên địa bàn Q.8, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú và H.Bình Chánh.

Sở kiến nghị Chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và Chủ tịch UBND 21 quận, huyện chủ động lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các khu đất trống, quỹ đất công, các khu đất đang cho thuê sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả trên địa bàn để thực hiện dự án tái định cư hoặc bố trí cho các dự án trên địa bàn trước khi thực hiện công tác thu hồi đất.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc bố trí tái định cư như trên là chưa phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng người dân, chưa đúng so với nguyên tắc bố trí tái định cư và gây khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án. Bởi luật Đất đai 2024 quy định khu tái định cư phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

"Từ thực trạng, quy định và chủ trương nêu trên, Sở TN-MT nhận thấy cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chuẩn bị quỹ đất ở, nhà ở tái định cư tại các địa phương. Do đó, Sở kiến nghị Chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và Chủ tịch UBND 21 quận, huyện chủ động lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các khu đất trống, quỹ đất công, các khu đất đang cho thuê sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả trên địa bàn để thực hiện dự án tái định cư hoặc bố trí cho các dự án trên địa bàn trước khi thực hiện công tác thu hồi đất", ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nhận định việc rà soát đất công bỏ không gây lãng phí với quy mô diện tích vừa đủ để phát triển nhà ở tái định cư là rất cần thiết. TP cần tạo quỹ đất trước khi dự án khởi công. Tuy nhiên khi làm nhà tái định cư, cần điều tra kỹ về nhu cầu của người dân cũng như vị trí làm nhà, tránh tình trạng xây lên rồi lại bỏ hoang như hàng chục ngàn căn hộ tái định cư Thủ Thiêm, Vĩnh Lộc B đang phơi nắng, phơi mưa bao năm qua. "Về lâu dài nhà ở tái định cư phải lưu ý 2 vấn đề. Đầu tiên phải lưu tâm chất lượng công trình. Người dân vốn ác cảm với nhà tái định cư bởi định kiến đó là sản phẩm chất lượng kém nên không sử dụng. Thứ nữa là xây các khu nhà tái định cư không quá xa so với khu đất bị thu hồi. Vì cuộc sống thường quen thuộc trong văn hóa truyền thống nên người dân thường ngại đi tái định cư quá xa nơi ở cũ. Tái định cư tại chỗ cần phải là phương án ưu tiên nhất. Khi chính quyền chủ động đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ với người dân bị giải tỏa tái định cư thì việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện nhanh hơn và sẽ giảm bớt chi phí lãng phí của dự án bị đội vốn do đình trệ", TS Thuận nhấn mạnh.

Nhà tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ

Rõ ràng người dân sẽ thiệt thòi khi phải di dời nên khi xây dựng nhà tái định phải đáp ứng được yêu cầu của người ở. Người dân phải được ở nơi có trường cho con cái đi học, có điều kiện thuận lợi để làm việc, để kiếm tiền, chứ không phải xây nhà tái định cư ở một nơi "đồng không mông quạnh" rồi đưa người dân sang đó ở và cho đó là tái định cư. Tư duy ấy không đúng. Nhà tái định cư cho dân phải tốt hơn nơi ở cũ. Khi thỏa được điều này, người dân sẽ vui mừng nhường đất cho chủ đầu tư làm dự án để họ dọn đến nơi ở mới.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.