Câu chuyện anh đại úy công an và 2 thanh niên nhảy xuống sông Hàn cứu người được báo chí phản ánh và các fanpage dẫn lại lập tức được hàng trăm lượt chia sẻ và hàng chục ngàn người like với những bình luận yêu thương, khâm phục.
Sáng 18.7, một phụ nữ trèo qua lan can cầu sông Hàn (Đà Nẵng) rồi nhảy xuống sông. Cùng lúc, một người đàn ông chở theo một bé gái chỉ kịp nhờ người qua đường trông giúp con rồi nhảy xuống để ứng cứu.
Người nhảy xuống cứu là chồng của người phụ nữ nhảy cầu. Trước đó, vợ chồng họ đi cùng xe và xảy ra cự cãi gì đó.
Thấy người phụ nữ nhảy cầu, Đinh Gia Hoàng, 18 tuổi, nhân viên nhà hàng Memory và anh Trần Đình Hiệp (trú ở An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) lập tức lao xuống sông. Nhưng do nước chảy xiết, cả hai không thể tiếp cận.
Hoàng kể: “Tôi hỏi mọi người trong quán có ai biết bơi không nhưng hình như không có ai. Lúc đó tôi nghĩ giờ 2 người đó còn ở gần, mình không nhảy xuống cứu, lúc họ trôi ra xa làm sao cứu được nữa. Nghĩ vậy, tôi cởi giày nhảy xuống sông rồi bơi ra. Khi tiếp cận được chị đó, tôi dìu vào được một đoạn thì đuối quá. Đang chưa biết làm sao thì anh cảnh sát cơ động bơi ra đưa cho can nước để bám vào rồi dìu nhau vào bờ”.
Người phụ nữ được cứu, nhưng đáng tiếc chồng chị thì không.
Người cảnh sát cơ động chính là đại úy Võ Văn Tùng thuộc Phòng Cảnh sát cơ động (Công an TP.Đà Nẵng). Lúc anh đi làm nhiệm vụ thì thấy người dân xôn xao chạy ra bờ sông Hàn. Nhìn ra giữa sông, phát hiện người phụ nữ và 2 thanh niên đang chới với giữa dòng nước xiết, anh vội cầm 2 can nhựa và 1 thùng xốp mà người dân đưa, lao ra dòng nước đang cuộn chảy. Sau 15 phút vật lộn, anh Tùng đã dìu được người phụ nữ vào bờ.
Anh Hiệp cho biết: “Rất may có anh công an bơi nhanh, khỏe nên đã hỗ trợ kịp thời chúng tôi và kéo được người phụ nữ đó vào, nếu chậm trễ vài phút thôi, tính mạng người phụ nữ đó chắc khó bảo toàn...”.
Khi hình ảnh đại úy Tùng được đưa lên mạng, nhiều người nhận ra người quen, có người thốt lên: “Oa, là anh! Người công an đã xử lý một vụ việc rất cứng rắn nhưng có tình có lý, ấn tượng về người chiến sĩ công an từ đó đến giờ. Hôm nay mới gặp lại. Anh đúng là người tốt!”.
Vậy đó. Trong bộn bề công việc mưu sinh, có lúc người ta không có thời gian để nghĩ đến, chưa kịp nói lời cảm ơn nhưng trong lòng họ, cái tốt vẫn được cất giữ từ một góc thẳm sâu.
Chúng ta từng chứng kiến hoặc nghe kể về một tài xế bất chấp hiểm nguy, cho xe gặp nạn tựa vào rồi dìu đến nơi an toàn, cứu được hàng chục người; một thiếu niên dũng cảm lao vào dòng nước lũ cứu bạn; một chiến sĩ công an dầm mưa rét, bụng đói không kịp nhai sống mì tôm vẫn cõng từng người vượt qua vùng lũ…
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn nghe nhiều chuyện tiêu cực, vô cảm, thậm chí là bất nhẫn. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người là lòng trắc ẩn. Hãy nhìn thấu vào đó và khơi dậy chúng, chúng ta hẳn sẽ có niềm tin.
Cái tốt luôn lay động lòng người!
Bình luận (0)