Thời khắc lịch sử
Gắn bó hàng chục năm với lĩnh vực đường sắt, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông không giấu được sự xúc động khi đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo ngành giao thông ấp ủ đã được T.Ư, Bộ Chính trị và Quốc hội bấm nút thông qua.
Những công trình mang tính "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường cao tốc hay điện hạt nhân… sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng - cũng là điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội hồi giữa tháng 11.
Với 3 lựa chọn ưu tiên là cải cách thể chế, phân cấp phân quyền và tăng trưởng, việc thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược là một trong những mũi giáp công để Việt Nam đạt tăng trưởng 2 con số, mục tiêu được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong giai đoạn tới.
Từng chịu cảnh "ăn đong" vốn, ngành giao thông những năm gần đây đã được Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực rất lớn, hàng trăm nghìn tỉ để đầu tư các dự án hạ tầng mang tính chiến lược, từ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021, 2021 - 2025 đến các dự án kết nối vùng…
Thống kê chưa đầy đủ đến tháng 9.2024, Bộ GTVT đã được giao tổng nguồn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 396.000 tỉ (tương đương khoảng 70% nhu cầu). Nguồn vốn lớn cộng với hàng loạt chính sách đặc thù trong giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, gỡ khó nguồn vật liệu… đã giúp loạt dự án lớn tăng tốc, về đích sớm và đúng hạn, lấp dần các đoạn tuyến còn trống để lần đầu tiên trong lịch sử nối thông cao tốc từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến mũi Cà Mau vào cuối năm 2025.
Không chỉ đại dự án quốc gia, những dự án do địa phương làm chủ đầu tư cũng đang được triển khai đồng loạt từ Vành đai 4 - thủ đô, Vành đai 3 - TP.HCM, mạng lưới đường sắt đô thị hàng trăm km tại Hà Nội, TP.HCM…
Theo TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, việc đầu tư tập trung cho hạ tầng giao thông sẽ đạt được tới 3 mục đích, không chỉ giao thông phát triển, mà còn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác được các nguồn lực.
"Trước đây, các tỉnh miền núi phía bắc có tiềm năng du lịch, kinh tế lớn, nhưng vì đường sá khó khăn nên chưa khai phá được. Nhưng nhờ các tuyến cao tốc tới Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang… rút ngắn thời gian di chuyển 2 - 4 tiếng, đã tạo đột phá rất lớn", ông Chủng nói.
Tính đến hết tháng 11.2024, cả nước đã có 2.021 km đường bộ cao tốc. Riêng 3 năm 2021 - 2024 đã đưa vào khai thác 858 km, bằng gần 75% chiều dài đường cao tốc đã có trước đó.
Thủ tướng đã phát động đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 và quyết tâm đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành về đích vào cuối 2025 - mốc son chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Mở lối đường sắt liên vận
Khi mạng lưới đường bộ cao tốc đã có những bước tiến dài, hệ thống sân bay, cảng biển cũng được đầu tư khá đồng bộ, thì đường sắt vẫn đang lép vế. Đẩy mạnh đầu tư cho đường sắt không chỉ với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tới đây, mà hàng loạt tuyến đường sắt kết nối là nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đường sắt liên vận đã mở ra kênh giao thương hiệu quả giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, đánh giá. Từ năm 2020 đến nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giữa hai nước liên tục tăng.
Đặc biệt, từ giữa năm 2024, các chuyến tàu container từ ga Cao Xá (Hải Dương) đã chở lưu huỳnh, nhôm, sữa... về ga Yên Viên (Hà Nội) để kết nối với các đoàn tàu liên vận sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của đường sắt Việt Nam vẫn là hạ tầng. Đường ray ga Đồng Đăng là khổ lồng (1.435 mm) có thể chạy tàu thẳng tới Trung Quốc, song ga Lào Cai chỉ có đường ray 1.000 mm, không thể kết nối trực tiếp với Trung Quốc. Đây cũng là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính đốc thúc khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc ngay trong năm 2025. Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Với tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỉ USD, tuyến đường sắt khổ đôi Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần chuẩn bị đầu tư trong khoảng 3 - 4 năm. Song song với đó, 2 tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc là Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai, để hàng hóa Việt Nam có thể theo đường sắt sang Trung Quốc và tới các nước thứ ba...
Bình luận (0)