Lấy ý kiến dự thảo Nghị định về 4 phương pháp tính giá đất

Đình Sơn
Đình Sơn
19/02/2024 16:16 GMT+7

Sau khi luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định về định giá đất.

Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.

Về phương pháp định giá đất, dự thảo nghị định quy định việc lựa chọn phương pháp định giá đất, thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất, trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin, trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin, quy định trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất. Đồng thời quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong phương pháp so sánh.

Cụ thể, căn cứ vào mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá, đặc điểm của thửa đất, khu đất cần định giá, các thông tin đã thu thập được, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 6 điều 158 luật Đất đai, tổ chức tư vấn định giá đất được thuê có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định.

Lấy ý kiến dự thảo Nghị định về 4 phương pháp tính giá đất- Ảnh 1.

Cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về định giá đất để tháo gỡ khó khăn cho các dự án

ĐÌNH SƠN

Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thông tin cũng có thể được thu thập từ các nguồn như giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất đã sử dụng để thu nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế; giá đất chuyển nhượng, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng thành công trên thị trường được thu thập…

Quốc hội thông qua luật Đất đai sửa đổi

Theo dự thảo, thông tin về chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất nông nghiệp để áp dụng phương pháp thu nhập phải được thu thập tại cơ quan thống kê, thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trường hợp chưa có số liệu thống kê, không có số liệu từ các cơ quan đó thì thu thập thông tin về chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 3 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá.

Tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất phải trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin điều tra.

Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Được biết, để thi hành luật Đất đai (sửa đổi), ngoài Nghị định về định giá đất, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thêm bốn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, luật Đất đai (sửa đổi) dù được Quốc hội bấm nút thông qua nhưng đến ngày 1.1.2025 mới có hiệu lực. Trong thời gian này nhất thiết phải sớm ban hành Nghị định hướng dẫn, nhất là đối với trường hợp định giá đất vốn đang gây ách tắc cho hàng trăm dự án trên cả nước. "Trong năm 2024, công tác định giá đất vẫn phải thực hiện theo quy định của luật Đất đai 2013, cho nên rất cần thiết và cấp bách phải ban hành Nghị định sửa đổi. Mục đích của việc làm này là để sớm tháo gỡ các vướng mắc về công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước", ông Châu nói.

Thống kê, chỉ riêng tại TP.HCM, hiện vẫn còn hơn 60.000 căn nhà thuộc các dự án trước đây chưa được cấp sổ hồng, chưa bao gồm hơn 10.000 căn nhà thuộc các dự án mới tăng thêm hàng năm. Tính trong phạm vi cả nước, hiện có hàng trăm nghìn căn nhà thuộc các dự án chưa được cấp sổ hồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.