Tổng thư ký FIFPro, ông Jonas Baer-Hoffmann tuần trước cho biết sự can thiệp khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 của AFC thiếu quyết liệt, dẫn đến các vấn đề phúc lợi cầu thủ bị đe dọa có thể làm lùi bước tiến của bóng đá châu Á. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 14.10, AFC đã phản ứng những chỉ trích về cách đối phó của tổ chức với cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Liên đoàn bóng đá châu Á đặt phúc lợi và hạnh phúc của các cầu thủ - và tất cả các bên liên quan của chúng tôi - là ưu tiên chính của chúng tôi trong suốt đại dịch", AFC nói với AFP trong một tuyên bố. Tổ chức quyền lực nhất bóng đá châu Á nhấn mạnh thêm: “AFC đã cung cấp hỗ trợ cho các câu lạc bộ và giải đấu thông qua các liên đoàn thành viên và khu vực. Các giải đấu của chúng tôi là các giải đầu tiên bị hoãn trên thế giới và đó là để bảo vệ sức khỏe của tất cả những người tham gia vào các trận đấu đó".
|
Trong chỉ trích của mình, ông Baer-Hoffmann đã lấy ví dụ điển hình về những vấn đề mà các cầu thủ ở Indonesia phải đối mặt, khi một "quyết định đơn phương" của các CLB nhằm giảm lương tới 3/4 đã gây ra "khó khăn khá nghiêm trọng". Quan chức này nhấn mạnh thêm rằng, các cầu thủ "đơn giản là không thể chịu được" việc giảm lương lớn ở Indonesia, điều này xảy ra bất chấp thực tế là nhiều CLB có "những ông chủ rất giàu có".
Baer-Hoffmann nói với AFP: “Chúng tôi muốn thấy AFC can thiệp vào một số tình huống tiêu cực thực sự quyết liệt ở cấp độ quốc nội. Chúng tôi rất kỳ vọng rằng liên đoàn (AFC) đặt ra một tiêu chuẩn nhất định, bao gồm việc ra quyết định tập thể, về mặt tuân theo các tiêu chuẩn mà chúng tôi đang làm việc ở cấp độ sâu hơn".
Giống như nhiều tổ chức thể thao khác, AFC đã gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc điều hành các giải đấu của mình trong năm nay. Giải AFC Champions League bị đình chỉ đã trở lại thi đấu với các giao thức an toàn ở Qatar, trong khi AFC Cup (giải đứng sau AFC Champions League dành cho cấp CLB ở bóng đá châu Á) đã bị hủy bỏ và các lượt trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 đang tạm dừng.
|
AFC cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi là nối lại an toàn các giải đấu của tổ chức trong môi trường an toàn cũng như thúc đẩy khởi động lại các giải đấu của liên đoàn thành viên của chúng tôi, nếu an toàn và phù hợp”. Tổ chức có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) cho biết thêm rằng, họ cũng đã tham gia vào các cuộc thảo luận của FIFA trong việc phê duyệt khoản tài trợ và khoản vay lên tới 1,5 tỉ USD cho các liên đoàn bóng đá quốc gia trên toàn thế giới. FIFPro, có trụ sở chính tại Hà Lan, đại diện cho hàng chục nghìn cầu thủ bóng đá trên toàn thế giới thông qua 65 hiệp hội cầu thủ quốc gia, trong đó có 8 hiệp hội ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)